Đồng chí Bùi Văn Quý, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và cũng là một trong 14 mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa Nhà nước bình ổn giá. Vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, hạn chế các hành vi vi phạm, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hiểu các quy định về sản xuất, kinh doanh, cách sử dụng phân bón hiệu quả để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Hàng tháng, các đội quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra về các điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa đơn chứng từ, việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa đối với mặt hàng phân bón và vật tư nông nghiệp. Định kỳ, Chi cục Quản lý thị trường tiến hành lấy mẫu các loại phân bón có nghi ngờ về chất lượng để giám định làm căn cứ đánh giá và kiểm tra xử lý. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, tập trung vào thời điểm, thời vụ khi sức tiêu thụ mặt hàng phân bón tăng cao.
Qua công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón đang lưu thông trên thị trường đã chấp hành các quy định của pháp luật, chất lượng đảm bảo, hàng hóa có ghi nhãn đúng quy định. Tuy nhiên, thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện một số hành vi vi phạm như: Kinh doanh phân bón giả có hàm lượng các chất dinh dưỡng rất thấp, kinh doanh phân bón nhập lậu, không có trong danh mục được phép lưu hành và vi phạm các quy định về ghi nhãn. Tính từ năm 2010 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra 865 cơ sở kinh doanh phân bón, xử lý 425 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 245 triệu đồng. Trong đó, riêng 11 tháng năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, xử lý 35 vụ vi phạm, phạt hành chính bằng tiền trên 58 triệu đồng, tịch thu phân bón nhập lậu trị giá trên 222 triệu đồng, tiêu hủy 4 tấn phân bón giả. Qua đó, đã góp phần răn đe, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 500 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và điều kiện sản xuất, kinh doanh không đảm bảo, chất lượng thấp. Điều này đã gây thiệt hại cho bà con nông dân và ảnh hưởng đến uy tín của một số doanh nghiệp làm ăn chân chính. Để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón một cách chặt chẽ, hiệu quả thì các ngành chức năng cần quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón đối với từng doanh nghiệp. Thường xuyên đánh giá, phân loại tổng thể các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón để sớm phát hiện các cơ sở vi phạm, ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, mức xử phạt trong sản xuất, kinh doanh phân bón còn thấp nên đối tượng thường xuyên tái phạm. Vì thế, cần đề ra chế tài xử phạt thật nặng đối với những hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng thì mới đủ sức răn đe. Công tác quản lý mặt hàng phân bón hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, số lượng các loại phân bón ban hành trong danh mục rất nhiều và thường xuyên thay đổi theo từng thời kỳ nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, phân loại và xử lý. Hơn thế nữa, người nông dân khi mua hàng không thể phân biệt được đâu là phân bón có trong danh mục và có được phép lưu hành hay không. Do đó, cần thay đổi phương pháp quản lý phân bón theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường cần phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn Quốc gia; thực hiện kê khai đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Đồng thời cần quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo hộ thương hiệu phân bón của mình, tích cực thông tin, tuyên truyền tới bà con nông dân trong việc mua bán và sử dụng phân bón đúng cách. Các ngành chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nông nghiệp ngày một phát triển bền vững.
Thanh Chiên