Trên cánh đồng lúa đang thu hoạch ở xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn), tham gia gặt lúa với bà con nông dân có cả những đàn vịt hàng trăm con. Theo những chủ nuôi vịt ở đây thì chi phí nuôi vịt chạy đồng thấp hơn rất nhiều so với nuôi nhốt vì nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Đặc biệt, khi đồng ruộng vừa thu hoạch xong lúa rơi vãi khá nhiều cộng thêm cua, ốc... vịt đủ thức ăn, lớn nhanh. Theo tính toán của các hộ nuôi vịt, nếu chăn thả với số lượng 1.000 con, mỗi ngày đỡ chi phí tiền thức ăn từ 1-1,2 triệu đồng. Đặc biệt, vịt chạy đồng chất lượng trứng lại ngon nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Là một trong những huyện trọng điểm sản xuất lúa, do vậy việc nuôi vịt thả đồng ở Gia Viễn khá phát triển. Trung bình mỗi vụ thu hoạch lúa có khoảng 100 hộ nuôi vịt dưới hình thức chạy đồng.
Tại xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp), các hộ nuôi vịt ở đây cũng đang rậm rịch nhập đàn chuẩn bị vào mùa chạy đồng. Cách đây chưa đầy một năm, Yên Sơn đã xảy ra dịch cúm A H5N1 trên đàn vịt làm chết và buộc phải tiêu hủy hàng nghìn con vịt. Tuy nhiên qua tìm hiểu thì số hộ nuôi vịt ở đây vẫn không hề giảm, đặc biệt vào thời điểm này lượng vịt nhập về khá lớn. Chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ thú y xã Yên Sơn cho biết: Do hiện nay chăn nuôi lợn gặp nhiều thua thiệt nên nhiều người chuyển sang nuôi vịt. Hiện nay đàn vịt của xã có trên 15.000 con, tập trung ở thôn Lang Ca và thôn Nguyễn. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa khi vào lúc gặt rộ, đàn vịt có thể tăng lên nữa. Để làm tốt công tác phòng dịch thì ngay từ đầu vụ, UBND xã Yên Sơn đã phối hợp với phòng Kinh tế thị xã Tam Điệp tổ chức một lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi và phòng dịch thu hút hàng chục hộ nông dân tham gia. Có thêm kiến thức và do năm ngoái trên địa bàn xảy ra cúm A H5N1, nhiều hộ phải tiêu hủy hàng nghìn con vịt nên năm nay đa phần các hộ nuôi đã có ý thức tốt trong công tác phòng dịch. Khi nhập đàn về, các hộ đều có báo cáo để cán bộ thú y xã nhập vào sổ theo dõi, sau đó tiến hành tiêm phòng. Từ đầu năm đến nay, xã đã tiến hành tiêm phòng 3 đợt vắc xin H5N1, mỗi đợt khoảng 10.000 con. Ngót mười năm nuôi vịt thả đồng anh Nguyễn Văn Vịnh, thôn Nguyễn, xã Yên Sơn cho biết: Nghề nuôi vịt nhiều rủi ro nhưng bù lại nếu chăm sóc chu đáo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi và tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ thì hiệu quả kinh tế khá cao. Không nhiều đất canh tác, thu nhập của gia đình anh Vịnh dựa chủ yếu vào nghề nuôi vịt. Anh nuôi vịt quanh năm, tuy nhiên vào thời điểm bà con thu hoạch lúa thì anh mạnh dạn tăng đàn lên trên 2.000 con. Anh Vịnh chia sẻ: Để đảm bảo an toàn cho gia sản của mình, tôi luôn tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh phòng dịch. Tôi luôn lấy giống từ các trại giống có uy tín, đồng thời báo cho thú y xã khi nhập đàn về để xếp lịch tiêm phòng. Vịt được tiêm phòng H5N1 thường rất khỏe và ít mắc các bệnh khác, do vậy nhiều năm liền nuôi vịt nhưng chưa năm nào đàn vịt của anh mắc bệnh.
Hiệu quả từ chăn nuôi vịt thả đồng là rất lớn, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh gia cầm đang có những diễn biến phức tạp thì việc nuôi vịt thả đồng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về dịch bệnh. Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, nuôi vịt ở Ninh Bình hiện nay đa phần đều theo hình thức nuôi tận dụng. Vịt được chăn thả trên các kênh, rạch và vào mùa gặt thì cho chạy đồng, không chuồng trại, cho ăn dã chiến ngay trên bờ... Trong khi đó tình trạng tái đàn, thả vịt chạy đồng và mua bán vịt không qua kiểm dịch vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nếu chính quyền các địa phương không quan tâm phối hợp tốt với ngành chức năng, kiểm soát tốt nguồn gốc và lịch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh thì nguy cơ xuất hiện dịch cúm trên đàn gia cầm, thủy cầm là rất cao.
Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh từ hình thức chăn nuôi thả rông này, ngành Thú y đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm A H5N1, khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiến hành đăng ký chăn nuôi. Yêu cầu các địa phương kiểm soát thật chặt tình trạng vịt chạy đồng, thống kê tổng đàn, bắt buộc tiêm phòng và tiêm phòng bổ sung hàng tháng. Đồng thời làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ... Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của người chăn nuôi trong việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu