Để giữ gìn và phát huy những giá trị đó, nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng kiểm lâm Ninh Bình trong suốt 35 năm qua. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh, lực lượng kiểm lâm Ninh Bình đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng, rừng tại gốc đã được bảo vệ tốt, độ che phủ của rừng đã và đang dần được nâng cao. Trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, số vụ cháy rừng hàng năm đã giảm, thiệt hại do cháy rừng thấp. Các khu rừng đặc dụng, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử được bảo vệ nghiêm ngặt, không có tình trạng cháy rừng xảy ra...
Đạt được kết quả đó, lực lượng kiểm lâm Ninh Bình đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp triển khai đồng bộ và toàn diện các biện pháp PCCCR; tận tụy bám dân, bám rừng, tích cực tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng; quản lý chặt chẽ tình trạng đốt nương làm rẫy, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp an toàn lửa rừng; hoàn thành xây dựng dự án tăng cường năng lực và phương án kế hoạch PCCCR, xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng để quản lý và chỉ đạo; xây dựng gần 50 km đường băng cản lửa, mua sắm và cấp phát nhiều dụng cụ chữa cháy rừng các loại... Công tác thường trực, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng đã được duy trì tốt. Việc kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các biện pháp an toàn lửa rừng đối với các chủ rừng, các địa phương vùng trọng điểm cháy rừng được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là trong những ngày nắng nóng có nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Việc tổ chức chữa cháy rừng đã có sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Kiểm lâm - Quân đội - Công an và dân phòng..
Bên cạnh những việc đã làm được, công tác PCCCR vẫn còn bộc lộ một số nhược điểm: nhiệm vụ phòng cháy ở một số địa phương, một số chủ rừng thực hiện chưa được tốt, ý thức lửa rừng của một bộ phận dân cư chưa cao, việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCCR chưa đảm bảo, tình trạng cháy rừng vẫn còn xảy ra, tuy số vụ không nhiều, thiệt hại không lớn song cháy rừng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sinh trưởng và phát triển của rừng, ảnh hưởng đến môi trường, tác dụng phòng hộ và các giá trị phi vật chất khác.
Thời gian tới, chi cục kiểm lâm Ninh Bình đề xuất một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về công tác PCCCR. Đối với các địa phương vùng trọng điểm cháy rừng, khu danh lam thắng cảnh, các khu vực kho tàng phải sớm hoàn thiện hệ thống biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nội quy an toàn PCCCR; tổ chức thực hiện tốt một số biện pháp lâm sinh trong phòng cháy rừng, nâng cao chất lượng hệ thống đường băng cản lửa, tổ chức đốt trước có điều khiển đối với các khu rừng có khả năng kiểm soát được; thực hiện phương thức nông lâm kết hợp đối với rừng mới trồng. Đối với những vùng trọng điểm cháy rừng, bố trí lựa chọn cây trồng có khả năng chống chịu lửa cao, tỉa thưa điều chỉnh mật độ hợp lý với một số khu rừng trồng đã khép tán; vệ sinh các khu rừng thông đang khai thác nhựa...; tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ huy PCCCR các cấp, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các chủ rừng, các địa phương vùng trọng điểm cháy rừng; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nội quy an toàn PCCCR. Đối với những vùng trọng điểm cháy rừng, bố trí lực lượng phân công thường trực canh gác lửa rừng 24/24h trong những ngày cao điểm có nhiều khả năng xảy ra cháy rừng từ cấp IV đến cấp V... Mùa nắng nóng năm 2008 đã bắt đầu, tình hình thời tiết sẽ diễn ra khá phức tạp, hiện tượng Elnino có thể xảy ra, nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn là một tiềm ẩn lớn, vì vậy, nhiệm vụ PCCCR đang là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng kiểm lâm và những người làm lâm nghiệp.
Đỗ Văn (Chi cục Kiểm lâm)