Trong quá trình triển khai các hoạt động, các cấp Hội luôn năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn kết đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy nội lực của chị em trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Để hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo có động lực đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, nhiều cán bộ hội phụ nữ cơ sở đã mạnh dạn, đi đầu vay vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Điển hình như mô hình gia trại chăn nuôi gà siêu trứng Ai Cập của chị Tạ Thị Sáu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Hải. 3 năm nay, mỗi năm chị thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi 300-400 con gà mái đẻ. Mỗi lứa gà, chị lấy giống ở Viện Chăn nuôi. Chị Sáu cho biết: Nuôi gà đẻ trứng không mất nhiều chi phí và công sức chăm sóc như các con nuôi khác, quan trọng là phải chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gà theo mùa…
Là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, chị Tạ Thị Sáu cho biết thêm: ở xã Khánh Hải, hội viên phụ nữ rất tích cực, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo. Hiện toàn xã có gần 40 gia đình hội viên làm nấm, may công nghiệp, kinh doanh dịch vụ… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Với hơn 1.200 hội viên, tỷ lệ hội viên khá và giàu chiếm hơn 40%, trên 80% hội viên phụ nữ có việc làm, toàn hội chỉ còn 10 hội viên thuộc diện hộ nghèo là các đối tượng neo đơn, già ốm, bệnh tật...
Chị Bùi Thị Vẻ, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Khánh cho biết: Để việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững có hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện tập trung chỉ đạo duy trì hoạt động "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ". Hàng năm, các cấp Hội đã khảo sát, phân loại hộ nghèo, phân công trách nhiệm giúp hộ nghèo. Thực hiện mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, các cấp Hội đã giúp hội viên phụ nữ bằng các hình thức như: giúp cây, con giống, vay vốn, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng KHKT và chăn nuôi, trồng trọt… Đồng thời vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ đóng góp xây dựng mái ấm tình thương, giúp phụ nữ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở, quan tâm tặng học bổng, trao quà khuyến học cho con em phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên học tốt…
Hiện toàn huyện có 208 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập cao. Điển hình như tổ hợp sản xuất nấm của chị Vũ Thị Đam, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Công. Năm 2006, Hội đã quan tâm chỉ đạo thành lập tổ hợp sản xuất nấm với 6 hộ tham gia. Sau 7 năm hoạt động, tổ hợp tác của chị Vũ Thị Đam ngày càng phát triển, làm ăn hiệu quả. Từ 6 hộ sản xuất nấm ban đầu, đến nay tổ hợp tăng lên hàng chục hộ; năm 2013 trừ chi phí, tổ hợp thu lãi 1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 140 lao động, trong đó có 119 lao động nữ.
Chị Vũ Thị Đam đã năng động tìm được đầu ra, ký kết tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Hà Nội, tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Tổ hợp hiện có 15 hộ phụ nữ nghèo tham gia, trong những năm qua đã có 13 hộ thoát nghèo bền vững. Riêng gia đình chị Vũ Thị Đam có thu nhập đạt 150 triệu đồng/năm. Từ nghề nấm, 3 con trai của chị Vũ Thị Đam được đầu tư học hành thành đạt, hiện 2 cháu đã học xong thạc sỹ và có việc làm ổn định, 1 cháu đang học thạc sỹ…
Ngoài ra, còn có một số mô hình, như mô hình nuôi 1.000 gà siêu trứng Ai Cập, 150 nái ngoại, hàng nghìn con lợn thịt và kết hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm tại xã Khánh Hải. Mô hình nuôi 5.000 con vịt đẻ, kết hợp nuôi lợn nái ngoại, lợn rừng, cá sấu, giun quế, dế mèn, cá thịt tại thị trấn Ninh, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Mô hình trang trại chăn nuôi theo phương thức công nghiệp với 60 lợn nái ngoại, 500 lợn thịt, cá lóc bông tại xã Khánh Thủy cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm... Đồng thời, nhiều mô hình trên các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất, chế biến nấm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.
Cùng với những hoạt động hỗ trợ phụ nữ xóa đói, giảm nghèo, các cấp hội huyện Yên Khánh còn tích cực khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, quỹ quay vòng vốn nước sạch,… cho chị em vay để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, các cấp Hội cũng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, phòng nông nghiệp huyện, các HTX tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật; tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật…
Năm 2013, các cấp Hội đã tổ chức hơn 50 lớp tập huấn cho trên 3 nghìn lượt cán bộ và hàng chục nghìn lượt hội viên. Đặc biệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Hội đã quan tâm đề xuất với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ cho các mô hình phát triển kinh tế như đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm...
Với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, năm 2013, các cấp Hội phụ nữ Yên Khánh đã hỗ trợ, giúp hơn 400 hội viên, trong đó có 47 hội viên nghèo đứng chủ thoát nghèo bền vững.
Hạnh Chi