Khi doanh nghiệp cùng tham gia Thực hiện chương trình xã hội hóa việc cung cấp và quản lý các công trình nước sạch nông thôn, điều nhìn thấy rõ nhất là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Nhiều công trình cấp nước tập trung tại các địa phương bị xuống cấp, hiệu quả hoạt động thấp hoặc chưa có nước sạch được các doanh nghiệp tiếp nhận và đầu tư có hiệu quả. Ông Bùi Ngọc Tường, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành cho biết: Từ năm 2015 đến nay Công ty đã tiếp nhận 3 công trình cấp nước tập trung là: Công trình xã Khánh Thịnh, Yên Thành (huyện Yên Mô), Khánh An (Yên Khánh). Tại công trình cấp nước tập trung xã Khánh Thịnh vào thời điểm Công ty tiếp nhận cho thấy, công trình ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hiệu quả hoạt động thấp, chất lượng nước không đảm bảo. Sau khi tiếp quản, Công ty đã tiến hành ngay công tác kiểm tra, rà soát, đầu tư máy móc và thay lại toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước bị hỏng có chiều dài trên 5 km. Được sự ủng hộ của nhân dân, công tác cải tạo, sửa chữa công trình cấp nước Khánh Thịnh đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay 100% hộ dân của xã Khánh Thịnh được dùng nước sạch với 14/14 tiêu chí đạt theo quy định của Bộ Y tế. Riêng 2 công trình tại xã Khánh An và Yên Thành, Công ty đã tiến hành sửa chữa các hạng mục xuống cấp, đảm bảo cấp nước sạch cho các hộ dân trước đây đã sử dụng, giảm thất thoát nước từ 70-80% xuống còn 30-40%. Hiện nay Công ty đang tiếp tục rà soát, tính toán để có sự đầu tư, đảm bảo cung cấp nước sạch tới tất cả các thôn còn lại của 2 xã Khánh An và Yên Thành.
Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình là đơn vị đã tiếp nhận và đang quản lý 17 trạm cấp nước tập trung nông thôn. Ông Đinh Ngọc Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình cho biết: Trong các công trình cấp nước tập trung nông thôn do Công ty quản lý có 8 công trình đang hoạt động bình thường, sau khi tiếp nhận Công ty tiến hành sửa chữa một số hạng mục xuống cấp, đấu nối thêm hàng trăm đồng hồ cho các hộ dân có nhu cầu dùng nước. Riêng tại các xã có 6 công trình đang xây dựng dở dang và 3 công trình hỏng, dừng hoạt động, Công ty đã rà soát, đánh giá và có phương án đấu nối từ các nguồn khác về cấp cho nhân dân sử dụng, như: đấu nối từ Nhà máy nước Ninh Bình cho 500 hộ dân xã Ninh Xuân; từ nhà máy nước thị trấn Yên Thịnh cấp cho 300 hộ dân của xã Yên Phong; từ công trình cấp nước tập trung xã Phú Lộc cho 32 hộ dân xã Quỳnh Lưu; từ nhà máy nước thị trấn Yên Ninh cấp nước cho khu cụm công nghiệp Khánh Nhạc... Nhờ đó hàng nghìn hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội được sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 96 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó có 54 công trình do 7 doanh nghiệp (gồm có Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH) quản lý. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đã nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước tập trung nông thôn, nâng cao tỷ lệ người dân được dùng nước sạch. Hiện nay tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 93%, trong đó hơn 57% số dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung.
Tiếp tục xã hội hóa cung cấp nước sạch nông thôn
Có thể nói, nguồn lực từ phía các doanh nghiệp rất lớn, nếu có các chính sách khuyến khích hợp lý, minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào nước sạch nông thôn. Tuy nhiên vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công trình nước sạch nông thôn đang gặp một số khó khăn do những địa bàn đông dân cư, điều kiện thuận lợi, nhanh thu hồi vốn đã có đơn vị tiếp quản và khai thác vận hành, còn lại là những điểm ở xa, dân số ít, địa bàn rộng và thời gian thu hồi vốn chậm. Theo đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành, nhiều địa bàn nếu không có sự chung tay hỗ trợ từ phía Nhà nước thì rất khó đưa được nước sạch tới cho người dân. Điển hình như tại xã Yên Thành, khi Công ty tiếp nhận công trình cấp nước có công suất 400 m3/ngày đêm chỉ cung cấp đủ 500 hộ dân, nhưng Yên Thành có tới 1.200 hộ dân và vẫn còn 6 thôn chưa có nước sạch. Việc đầu tư cấp nước gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, các hộ dân nằm dải rác cách nhau 300-400m, có hộ nằm trên đỉnh đồi. Để cung cấp nước sạch cho 6 thôn này, Công ty tính toán phải đấu nối hệ thống đường ống dẫn nước chính dài trên 12km và các nhánh dài trên 20km. Đồng thời phải xây dựng trạm cấp nước mới toàn bộ với chi phí đầu tư khoảng 6,5 tỷ hoặc đấu nối từ các công trình khác cũng mất vài tỷ, nhưng năng lực tài chính hiện nay của doanh nghiệp chỉ đáp ứng 30%. Do vậy Công ty mong muốn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để xây dựng công trình.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, để xã hội hóa xây dựng công trình nước sạch nông thôn, thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn tập trung", tỉnh tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực này. Về mặt cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời tiến hành đánh giá, rà soát, kiểm tra thực tế các mô hình quản lý, các công trình cấp nước tập trung nông thôn để sắp xếp, điều chuyển công trình theo phương án: Các công trình đã giao đang hoạt động có hiệu quả, tiếp tục giao cho đơn vị quản lý, khai thác. Các công trình chưa được giao quản lý hoặc giao mà chưa đạt hiệu quả thì tiến hành điều chuyển, giao cho đối tượng quản lý có đủ năng lực và kinh nghiệm. Trong đó ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có năng lực vào tiếp nhận, đầu tư, vận hành và quản lý cung cấp nước sạch cho người dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, thay đổi nhận thức và hành vi của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hồng Giang