![]() |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, lực lượng IS là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh trật tự thế giới (Ảnh: AFP) |
* Đêm ngày 22/9, Mỹ và các nước đối tác đã lần đầu tiên, bắt đầu khởi động các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng IS tự xưng bên trong lãnh thổ Syria. Đây là một phần trong chiến dịch quân sự mở rộng, được Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn từ cách đây gần 2 tuần nhằm mục tiêu bẻ gãy sức mạnh và tiêu diệt lực lượng IS - vốn đang bành trướng sự chiếm đóng tại một phần lãnh thổ rộng lớn từ Syria tới phía Bắc và phía Tây Iraq.
* Ngày 24/9, nhóm vũ trang Jund al-Khilifa ở Algeria có liên quan tới lực lượng IS tự xưng đã đăng tải lên mạng internet đoạn video cảnh hành quyết con tin người Pháp Herve Pierre Gourdel. Đây là vụ hành quyết thứ tư do IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên quan thực hiện, mà nạn nhân là công dân Mỹ và các nước phương Tây tham gia chiến dịch chống IS do Washington phát động.
* Ngày 24/9, trong nỗ lực nhằm làm suy yếu nguồn lực tài chính cung cấp cho lực lượng IS tự xưng, quân đội Mỹ đã phối hợp với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tiến hành các đợt không kích mới nhằm vào 12 mục tiêu của lực lượng IS ở bên trong lãnh thổ Syria, trong đó có một số nhà máy lọc dầu do lực lượng này kiểm soát.
* Tại phiên thảo luận chung cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 69 diễn ra ngày 24/9 tại New York (Mỹ), vấn đề khủng bố và chống khủng bố đã được hầu hết lãnh đạo các nước đề cập tới trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với một tổ chức khủng bố tàn bạo mới là lực lượng IS tự xưng và xu hướng gia tăng các tay súng nước ngoài tham gia vào các tổ chức cực đoan.
* Ngày 24/9, 15 nước thành viên HĐBA nhất trí thông qua một Nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ chiến binh nước ngoài tham gia các lực lượng cực đoan, cũng như thúc đẩy nghĩa vụ của các nước thành viên trong nỗ lực chung chống lại các mối đe dọa này.
* Ngày 25/9, Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey bày tỏ tin tưởng Mỹ đã xác định được danh tính của phần tử lực lượng IS bịt mặt xuất hiện trong đoạn băng hành quyết 2 nhà báo Mỹ và một nhân viên cứu trợ nhân đạo người Anh. Tuy nhiên, ông Comey từ chối công bố danh tính cũng cũng như quốc tịch của phần tử này.
* Ngày 25/9, cảnh sát tỉnh Anbar (Iraq) cho biết, với sự trợ giúp của các bộ lạc cùng nhiều máy bay và trực thăng quân đội, các lực lượng Iraq đã giành lại khu vực al-Sijir của tỉnh này, vốn bị nhóm phiến quân tự xưng lực lượng IS chiếm giữ trong tuần qua.
* Ngày 25/9, nhiều nguồn tin cho biết ba ngày trước đó lực lượng IS đã công khai hành quyết bà Samira Saleh al-Nuaimi, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng từng chỉ trích nhóm phiến quân này trên mạng xã hội. Bà Nuaimi từng tham gia tranh cử vào Quốc hội Iraq, trong khi lực lượng IS hiện đang truy lùng mọi quan chức từng làm việc cho chính phủ và các nhà hoạt động chính trị. Một nguồn tin từ nhà xác thành phố Mosul xác nhận thi thể bà Nuaimi đã được đưa tới đây hôm 22/9.
* Ngày 25/9, tại phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố lực lượng IS là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế" và cam kết khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 50 triệu USD cho khu vực Trung Đông. Ông Abe nêu rõ "Điều quan trọng hiện tại là ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bắt rễ, đồng thời ứng phó cấp tốc với các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực"*
* Hãng tin AFP đưa tin, ngày 26/9, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết các máy bay chiến đấu Mỹ đã tiến hành đợt oanh kích mới nhằm vào lực lượng IS tự xưng ở Syria, trong ngày thứ 5 liên tiếp tấn công các mục tiêu IS ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ, vốn chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Trung Đông không cho biết chi tiết về những cuộc không kích mới nhất này.
* Chiều 26/9, Quốc hội Bỉ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép chính phủ sắp mãn nhiệm tham gia vào liên minh quốc tế chống lực lượng IS tự xưng tại Iraq. Ngay sau đó, 6 máy bay chiến đấu F-16 của Bỉ đã lên đường tới căn cứ quân sự Araxos của Hy Lạp. Đây là chặng đầu tiên trước khi bay tới căn cứ không quân Mufaq Salti, gần Awzraq ở phía Đông Jordan, cách thủ đô Amman khoảng 100 km, để tham gia các trận oanh kích trên bầu trời Iraq.
* Chiều 26/9, trong cuộc thảo luận tại Hạ viện, kế hoạch của Chính phủ Anh không kích các căn cứ của lực lượng IS tự xưng tại Iraq đã nhận được sự đồng ý của đa số nghị sỹ Hạ viện nước này với 524 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Kết quả này đã đúng với dự đoán khi mà Công đảng trước đó đã tỏ thái độ ủng hộ Chính phủ có hành động chống lực lượng IS.
* Ngày 26/9, Đan Mạch cũng tuyên bố nước này sẽ tham gia chiến dịch không kích chống lực lượng IS tự xưng tại Iraq. Dự kiến, Copenhagen sẽ cử 4 máy bay chiến đấu và 3 máy bay dự bị cùng với 250 phi công và nhân viên phục vụ trong một sứ mệnh kéo dài 12 tháng tại Iraq. Tuy nhiên, nước này sẽ không tham gia kế hoạch không kích các cơ sở của lực lượng IS tại Syria do Mỹ đứng đầu.
* Ngày 27/9, Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin: Bộ Quốc phòng Iraq cho biết Nga đã cung cấp cho nước này lô máy bay trực thăng Mi-35 thứ ba. Đây là những máy bay đa năng được trang bị vũ khí với độ chính xác cao và có vận tốc lớn. Nhiệm vụ cơ bản của số máy bay trực thăng này sẽ là giáng đòn tấn công vào các vị trí của lực lượng IS. Tuy nhiên, số lượng máy bay trực thăng đã được chuyển giao không được công bố cụ thể. Hợp đồng trị giá 4,2 tỷ USD về cung cấp cho cho Iraq các mặt hàng quân sự của Nga đã được ký kết vào năm 2012.
|
Máy bay EA-6B tham gia không kích các mục tiêu của lực lượng IS ngày 23/9 vừa qua (Ảnh: Reuters) |
* Cũng trong ngày 27/9, các nguồn tin an ninh của Iraq cho biết, quân đội Iraq và liên minh các nhóm dân quân dòng Shi'ite đã giành lại quyền kiểm soát con đập chiến lược Muqdadiyah ở phía Đông Bắc thủ đô Baghdad, sau nhiều ngày giao tranh dữ dội với lực lượng IS.
Báo động về số người lây nhiễm và chết vì dịch Ebola
* Trong báo cáo đưa ra ngày 23/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo dịch Ebola sẽ bùng phát mạnh khiến hàng trăm nghìn người bị lây nhiễm mới từ nay đến cuối năm nếu các nước không tăng cường quyết liệt các biện pháp ứng phó. Theo tổ chức này, nếu không kiên quyết đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngay từ bây giờ, số ca lây nhiễm mới sẽ tăng từ hàng trăm trường hợp/tuần lên hàng nghìn trường hợp/tuần. Với những diễn biến hiện nay, đến ngày 2/11 tới, số ca lây nhiễm mới sẽ tăng gấp 3 lên hơn 20.000 trường hợp, trong đó khoảng 6.000 trường hợp ở Guinea, 10.000 ở Liberia và 5.000 ở Sierra Leone, và đến ngày 2/1/2015 số ca lây nhiễm mới sẽ tăng lên vài trăm nghìn.
* Ngày 23/9, nhóm chuyên gia đầu tiên của Phái bộ đặc biệt của Liên hợp quốc về dịch bệnh Ebola vừa được thành lập, đã tới thủ đô Accra của Ghana để tìm hiểu và đưa ra các biện pháp cần thiết giúp nước này chống chọi với dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại đây và một số quốc gia lân cận ở vùng Tây Phi.
* Ngày 24/9, trong phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York (Mỹ), Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tuyên bố nước này đã xóa bỏ hoàn toàn dịch Ebola; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn trong việc cung cấp vaccine để chống và ngăn ngừa dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi.
* Ngày 24/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi cộng đồng thế giới cùng nỗ lực chống khủng bố, biến đổi khí hậu và ngăn chặn dịch bệnh chết người Ebola đang hoành hành khu vực phía Tây châu Phi.
* Ngày 25/9, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tăng thêm 170 triệu USD viện trợ cho chiến dịch chống Ebola, nâng tổng số tiền tổ chức này cam kết viện trợ lên 400 triệu USD. Ngoài ra, chính phủ Canada cũng đã thông báo góp thêm 30 triệu USD vào nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy lùi dịch bệnh Ebola ở châu Phi. Trong khi đó, Cuba thông báo sẽ cử thêm khoảng 300 bác sỹ và y tá tới các quốc gia Tây Phi để hỗ trợ cuộc chiến chống virus Ebola, nâng tổng số nhân viên y tế của nước này sẽ tham gia nỗ lực quốc tế chống Ebola lên 461 người. Theo kế hoạch, lượt y bác sỹ Cuba đầu tiên gồm 165 người sẽ tới Sierra Leone vào đầu tháng Mười. Đợt thứ hai gồm 296 nhân viên y tế sẽ tới Liberia và Guinea.
* Ngày 26/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố số liệu thống kê mới nhất cho biết đã có ít nhất 3.091 người tử vong trong tổng số 6.574 ca nhiễm virus Ebola ở 5 quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh này hoành hành. Liberia tiếp tục là "tử địa" của bệnh nhân nhiễm virus Ebola với 1.830 ca tử vong, gấp khoảng 3 lần so với tổng số ca tử vong ở cả Guinea và Sierra Leone, hai quốc gia trong vùng ổ dịch.
![]() |
Các nhân viên y tế của Tổ chức Bác sĩ không biên giới điều trị cho bệnh nhân Ebola tại Kailahun, Sierra Leone (Ảnh: AFP/TTXVN) |
* Ngày 26/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua nhanh khoản viện trợ 130 triệu USD cho cuộc chiến chống dịch Ebola ở các quốc gia Tây Phi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoản viện trợ trên sẽ được chuyển giao ngay lập tức cho ba nước Guinea, Liberia và Sierra Leone với khoản tiền tương ứng từng nước là 41 triệu USD, 49 triệu USD và 40 triệu USD.
* Diễn biến mới tại điểm nóng Ukraine
* Ngày 22/9, trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết chính quyền Kiev đã đề nghị 2 tỉnh Lugansk và Donetsk tiến hành bầu cử chính quyền địa phương vào ngày 9/11 tới.
* Ngày 23/9, tại cuộc họp báo về kết quả phiên họp bộ trưởng các nước thành viên Cộng đồng Năng lượng lần thứ 12, diễn ra tại thủ đô Kiev (Ukraine), Bộ trưởng Năng lượng và công nghiệp than Ukraine Yuri Prodan cho biết Ukraine sẵn sàng chấp nhận mua khí đốt của Nga với mức giá thị trường, cao hơn mức giá mà nước này muốn mua.
* Ngày 23/9, Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại Nga phản đối việc Moskva điều đoàn xe cứu trợ nhân đạo thứ 3 tới khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine khi chưa có sự chấp thuận của chính quyền Kiev.
* Ngày 24/9, Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đã ký sắc lệnh "Về các biện pháp khẩn cấp bảo vệ Ukraine và củng cố khả năng quốc phòng của đất nước". Thông báo này được đăng tải trên trang thông tin của ông Poroshenko. Theo sắc lệnh, hướng chính trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng là đảm bảo khả năng sẵn sàng của các cơ quan sức mạnh, nền kinh tế và xã hội ngăn chặn sự xâm lược vũ trang chống lại Ukraine. Lợi ích quốc gia ưu tiên của Ukraine là tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
* Ngày 25/9, Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đã trình bày chương trình cải cách đất nước quy mô lớn trong thời gian 6 năm mang tên "Chiến lược - 2020", với mục tiêu đưa Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Chương trình này gồm 60 cải cách sẽ được hoàn tất trước nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới. Cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn được ấn định tổ chức ngày 26/10.
* Ngày 25/9, Công ty vận hàng hệ thống vận chuyển khí đốt FGSZ của Hungary thông báo đã ngừng vô thời hạn việc cung cấp khí đốt cho Ukraine.Việc ngừng cung cấp khí đốt sang Ukraine nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước tăng cao hơn đáng kể so với khả năng cung ứng, và được thực hiện từ 18 giờ ngày 25/9 (giờ địa phương, 23 giờ Hà Nội).
* Ngày 25/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroschenko đã chỉ thị cho chính phủ nước này cân nhắc tới việc tạm thời đóng cửa biên giới với Nga nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra "một cuộc can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraine". Sắc lệnh được đăng tải trên trang web của Tổng thống Ukraine đã chỉ thị cho chính phủ nước này thiết lập các trạm kiểm soát tạm thời ở biên giới giữa Ukraine và Ukraine. Sắc lệnh này được đưa ra dựa trên mối liên hệ với những hành vi "can dự liên tiếp" từ phía Liên bang Nga vào các vấn đề nội bộ của Ukraine.
* Ủy viên phụ trách năng lượng của Liên minh Châu Âu, ông Gunther Oettinger cho biết ngày 26/9 sau cuộc gặp với các Bộ trưởng năng lượng Nga và Ukraine tại Berlin, Đức. Nga sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Kiev trả khoản nợ tiền mua khí đốt trị giá 3,1 tỷ USD cho Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom theo thời hạn đến cuối tháng 12.
* Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngày 27/9, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, ông Stepan Poltorak cho biết lực lượng này đã nhận được 10 chiếc xe tăng T-64B mà theo hợp đồng cần phải gửi đến Congo. Đây không phải là xe tăng mới mà là số xe tăng T-64 đã được hiện đại hóa và tái tạo tại Nhà máy Malyshev. Những chiếc xe tăng vừa nhận sẽ được điều đến vùng chiến dịch đặc nhiệm, còn các binh sĩ đang hoàn tất khóa học sử dụng những cỗ xe tăng này.
Các tin tức đáng chú ý khác
* Ngày 24/9, Ấn Độ đã có được thành công lịch sử trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ với việc đưa thành công phi thuyền mang tên Mars Orbiter Mission (MOM) rời bệ phóng hôm 05/11/2013 và đã tới quỹ đạo của Sao Hỏa vào ngày 24/9. Với ngân sách 74 triệu USD, chương trình Sao Hỏa của Ấn Độ có chi phí thấp, ngoài ra, thời gian thiết kế thiết bị cũng rút ngắn. Chương trình nghiên cứu Sao Hỏa của Ấn Độ còn có thể coi là kỷ lục bởi giá thành rẻ và nhanh. Thành công này đã thể hiện sự sáng tạo và trí tuệ của người dân Ấn Độ cũng như vai trò của Ấn Độ trên trường quốc tế.
* Ngày 25/9, theo thông cáo báo chí của Hội nghị các Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN+3 lần thứ 14 tại Yangon (Myanmar), các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 3 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã nhất trí hợp tác trong chương trình tiếp cận, thúc đẩy các sản phẩm nông và lâm nghiệp giai đoạn 2015-2019.
![]() |
Ngày 25,9, tại cuộc họp báo, Tổng thống Ukraine đã trình bày chương trìnhcải cách đất nước với tên gọi "Chiến lược - 2020" (Ảnh: AFP) |
* Ngày 25/9, Hàn Quốc tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi Triều Tiên chấp nhận đề nghị tiến hành đối thoại cấp cao của Seoul, đồng thời nhấn mạnh rằng đối thoại trực tiếp là con đường duy nhất có thể giúp tháo gỡ mọi bất đồng đang còn tồn tại trong quan hệ giữa hai miền.
* Ngày 25/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thực trạng đất nước Libya đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về nhân đạo sau nhiều tháng chìm sâu trong bạo lực ở mức độ "chưa từng có tiền lệ". Làn sóng bạo lực được đánh giá là nghiêm trọng nhất tại Libya đã bắt đầu bùng phát tại quốc gia Bắc Phi này từ cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Cuộc cách mạng này đã để lại cho Libya một di sản "tồi tệ nhất" về an ninh khi vũ khí xuất hiện tràn lan không được kiểm soát đã rơi vào tay nhiều lực lượng quân sự và phe phái chính trị xung đột.
* Ngày 25/9, chính phủ Ấn Độ đã phát động chiến dịch "Make in India" - sáng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chính phủ mới nhằm đưa Ấn Độ trở thành một xưởng sản xuất trên bản đồ thế giới, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và tạo công ăn việc làm cho lực lượng dân số trẻ.
* Ngày 26/9, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan (NCPO) đã hoàn tất việc lựa chọn 250 thành viên cho Hội đồng Cải cách Quốc gia (NRC). Tuy nhiên, tên tuổi của những người này vẫn chưa được công bố rộng rãi cho đến khi được Nhà Vua Thái Lan thông qua. Theo đó, các thành viên NRC sẽ có nhiệm vụ phác thảo các cải cách chính trị và thông qua một bản hiến pháp mới. Đây là những bước đi chủ yếu trong kế hoạch của chính quyền quân sự nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2015.
* Ngày 26/9, nhà chức trách Hà Lan ngày cho biết các chuyên gia pháp y đã nhận dạng được 251 trong số 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng trên chuyến bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở miền Đông Ukraine, sau khi 26 người được xác định danh tính trong tuần này. Bộ Tư pháp Hà Lan nêu rõ trong số 26 nạn nhân này có 19 người Hà Lan và 7 người thuộc các quốc tịch khác.
* Ngày 26/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bắt đầu ngày đàm phán thứ 2 liên tiếp với người đồng cấp Javad Zarif của Iran, trong bối cảnh thời hạn cuối cùng cho nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran đang cạn dần và tiến trình đàm phán chưa đạt được nhiều tiến triển./.
Theo Dangcongsan.vn