Tính đến hết tháng 6 năm 2016, Ninh Bình đã có 43 xã trong tổng số 119 xã của tỉnh tham gia Chương trình XDNTM về đích xã nông thôn mới (3 xã của huyện Hoa Lư: Ninh Khang, Ninh Hòa, Ninh Xuân mới được Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh xét công nhận, nhưng chưa tổ chức Lễ đón nhận). Mục tiêu xuyên suốt của Chương trình là nâng cao đời sống cho người dân nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vì vậy, trong bộ tiêu chí Quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới các tiêu chí về: Thu nhập, giảm nghèo và những vấn đề về xây dựng cơ sở vật chất (đường, trường, trạm, trại, nhà văn hóa, giao thông, thủy lợi, môi trường...) là những tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn. Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh cho biết: Tính đến hết tháng 6/2016, tổng nguồn vốn huy động vào thực hiện Chương trình XDNTM ước đạt 18.282 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trực tiếp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia là 2.605 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 270 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 612 tỷ đồng, ngân sách huyện 780 tỷ đồng, ngân sách xã 943 tỷ đồng); vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác 3.924 tỷ đồng; vốn tín dụng 3.534 tỷ đồng; vốn hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp 1.164 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng dân cư tự đầu tư và đóng góp 6.684 tỷ đồng; vốn khác 369 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng nguồn vốn huy động vào XDNTM đã có 1.187 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách Trung ương 74,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 80 tỷ đồng, ngân sách huyện 44,7 tỷ đồng, ngân sách xã 124,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép 99,7 tỷ đồng; vốn tín dụng 117 tỷ đồng; vốn hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp 36,7 tỷ đồng; nhân dân tự đầu tư và đóng góp 516,8 tỷ đồng; vốn khác 9,6 tỷ đồng.
Điều tra khảo sát tại các xã XDNTM cho thấy nguồn lực đầu tư vào các công trình, dự án xây dựng cơ bản: Đường giao thông trục xã, đường giao thông thôn xóm; nhà Văn hóa xã, thôn, xóm; trường học, trụ sở UBND xã, kênh mương, sân vận động, hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường... là lớn và xã nào cũng nhiều.
Theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước chỉ hỗ trợ và định hướng: Đường giao thông trục xã do ngân sách xã đầu tư; đường giao thông thôn xóm, nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp mua cát, đá và công thực thiện; nhà văn hóa xã, thôn, xóm nhà nước chỉ hỗ trợ một phần... thì nguồn vốn đầu tư vào các công trình, dự án chủ yếu từ ngân sách xã và sự đóng góp của nhân dân. Với người nông dân mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào hạt thóc, củ khoai thì việc huy động sức dân vào XDNTM chỉ có mức độ, chỉ ở việc đóng góp làm đường giao thông thôn xóm thôi thì thường 1 khẩu cũng đã phải đóng từ 300.000-400.000 đồng và 1 hộ gia đình nếu có 5 khẩu đã phải đóng góp tới 1.500.000-2.000.000 đồng một số tiền không nhỏ với hộ gia đình nông thôn.
Đối với các công trình đường giao thông trục xã, sân vận động, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, kênh mương, trường học, trụ sở UBND xã... chủ yếu được xây dựng từ nguồn ngân sách xã cùng các nguồn vốn khác và trông chờ chính vào việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, theo cơ chế của xã NTM. Song với các xã ở ven đô thị, gần thành phố thì việc đấu giá quyền sử dụng đất thuận lợi và có kết quả cao, có nguồn để trả nợ xây dựng cơ bản; còn các xã vùng sâu, vùng xa thì rất khó khăn do không có người mua và nếu có đấu giá được thì giá trị thu được cũng thấp; trong khi các công trình trên các xã thường kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư và ghi nợ trả sau và theo báo cáo sơ bộ của các xã sau khi hoàn thành các tiêu chí nợ xây dựng cơ bản khoảng 20-30 tỷ đồng, có nơi lên tới 50 tỷ đồng. Như vậy, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các xã XDNTM là lớn và có nguy cơ khó trả.
Để khắc phục tình trạng này, quan điểm chung của tỉnh là không XDTNM bằng mọi giá; các công trình xây dựng cơ bản chỉ triển khai khi xác định được nguồn trả nợ có tính khả thi và nếu không chỉ rõ được nguồn trả thì không triển khai công trình. Để có nguồn vốn trả nợ, các địa phương phải đẩy nhanh quy hoạch, thủ tục và trình tự đấu giá đất tại địa bàn. Tích cực huy động các nguồn vốn khác: Con em quê hương; các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn... Mặt khác một số công trình có thể hạ thấp suất đầu tư với những hạng mục: Tường bao sân vận động, đường bê tông trong sân, cổng... có thể không cần xây dựng; riêng tường bao có thể trồng cây xanh xung quanh thành bờ rào.
Đinh Chúc