P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác dân số -KHHGĐ tỉnh Ninh Bình những năm qua?
Đồng chí Lưu Danh Cung: Từ khi tái lập tỉnh đến nay dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, công tác dân số -KHHGĐ của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả: Nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ đối với cá nhân, gia đình và xã hội được nâng lên rõ rệt, mô hình gia đình ít con để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững được đông đảo nhân dân chấp nhận, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế.
Mục tiêu giảm sinh đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Tỷ lệ sinh thô giảm từ 26,52% (năm 1992) xuống còn 13,78% năm 2010, tương tự số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ trên 3, 5 con năm 1992, xuống 1, 93 con năm 2010 (đạt mức sinh thay thế năm 2002 về trước kế hoạch 3 năm); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên 30% (năm 1992) xuống còn 12,1% năm 2011, đến nay toàn tỉnh có gần 800 địa bàn không có người sinh con thứ 3 trở lên, chiếm trên 40% số địa bàn trong toàn tỉnh. Quy mô dân số năm 1992 là 824.500 người đến năm 2009 chỉ có 899.600 người, giảm 76.000 người so với chiến lược dân số Ninh Bình giai đoạn 2001-2010 đề ra là 975.600 người vào năm 2009. Tỷ lệ tử vong bà mẹ do thai sản giảm đi rõ rệt, tỷ lệ trẻ em mới sinh có cân nặng dưới 2.500 gam chỉ còn 3%, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và trẻ em suy dinh dưỡng ngày một giảm, điều đó chứng tỏ công tác chăm sóc SKSS /KHHGĐ đã có tác động rất lớn đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian qua.
Bên cạnh mục tiêu giảm sinh và duy trì ổn định mức sinh, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số từng bước được quan tâm hơn, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tiếp cận triển khai các đề án: Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) tại huyện Kim Sơn tuy mới triển khai nhưng được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
Bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động; có quy chế hoạt động thống nhất, quản lý chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả; công tác đào tạo, bồi dưõng nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ được duy trì thường xuyên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Hệ thống cung cấp dịch vụ SKSS /KHHGĐ được củng cố và phát triển. Đến nay có 100% các cơ sở y tế trong tỉnh đảm nhiệm được các dịch vụ về chăm sóc SKSS /KHHGĐ, cung cấp đầy đủ và kịp thời các biện pháp tránh thai, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi có nhu cầu sử dụng KHHGĐ, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số. Từng bước hoàn thiệnkho dữ liệu điện tử phục vụ cho công tác quản lý và điều hành
Với những thành tựu đó, tỉnh Ninh Bình đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2010, được Bộ Y tế tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc khu vực đồng bằng sông Hồng, nhiều địa phương và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động và Bằng khen của Chính phủ về công tác dân số - KHHGĐ.
P.V: Đạt được những kết quả trên, đồng chí cho biết những kinh nghiệm mà ngành Dân số đã thực hiện trong thời gian qua?
Đồng chí Lưu Danh Cung: Để thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, trước hết phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của công tác dân số -KHHGĐ. Đồng thời, tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác dân số - KHHGĐ, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền giáo dục về dân số - KHHGĐ.
Triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và giáo dục thay đổi hành vi, một cách thường xuyên liên tục, kiên trì, với nhiều hình thức phong phú đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng để tạo được những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về công tác dân số - KHHGĐ.
Các dịch vụ về chăm sóc SKSS /KHHGĐ đảm bảo đầy đủ, an toàn, thuận tiện và chất lượng, Ngành đã tích cực đưa các dịch vụ về gần dân, sát dân, đáp ứng nhu cầu của đối tượng
Bên cạnh đó, tỉnh đã không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số - KHHGĐ các cấp, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưõng nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn và quản lý để nâng cao chất lượng hoạt động. Có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ có thành tích trong công tác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá các hoạt động và việc thực hiện chính sách DS -KHHGĐ ở cơ sở để uốn nắn, điều chỉnh kịp thời.
P.V: Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Dân số Việt Nam (26-12), ngành Dân số Ninh Bình đã và đang triển khai những hoạt động gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lưu Danh Cung: Năm 2011 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với công tác dân số - KHHGĐ cả nước, do vậy ngay từ đầu năm 2011, các chương trình hoạt động của công tác dân số - KHHGĐ tỉnh đều hướng tới mục tiêu lập thành tích kỷ niệm ngày Dân số thế giới, Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống công tác Dân số -KHHGĐ.
Với chủ đề Tháng hành động Quốc gia về Dân số: "Dân số -KHHGĐ vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội", Ban chỉ đạo công tác dân số tỉnh và Sở Y tế đã chỉ đạo các cấp phối hợp với các ngành tập trung tuyên truyền các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ và những vấn đề đang đặt ra với công tác dân số - KHHGĐ như chất lượng dân số, cơ cấu dân số, đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội.
Đối với cấp tỉnh, tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số, ngày Dân số Việt Nam và kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống công tác dân số - KHHGĐ, biểu dương, khen thưởng và tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân số - KHHGĐ, lồng ghép với tổng kết công tác dân số - KHHGĐ năm 2011 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2012. Đồng thời, Chi cục Dân số chỉ đạo Trung tâm dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch tham mưu với UBND huyện và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số, ngày Dân số Việt Nam và kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống công tác dân số - KHHGĐ, lồng ghép với tổng kết công tác dân số - KHHGĐ năm 2011, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu và triển khai kế hoạch năm 2012. Các huyện, thành phố, thị xã đã và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Trong thời gian tới, công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh mong tiếp tục được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản để nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (thực hiện)