Thực tiễn cho thấy, dường như bão gió đang có chiều hướng dịch chuyển về những tháng cuối năm và hiện nay đang là khoảng thời gian cao điểm của mùa mưa bão. Đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chi cục trưởng Chi cục PCLB, Chánh văn phòng BCH PCLB&TKCN tỉnh cho biết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa, bão lũ năm 2013 tình hình thời tiết, thủy văn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là cường suất bão, cường suất lũ ngày càng gia tăng. Về diễn biến thủy văn, trên các sông của tỉnh có khả năng xuất hiện ít lũ hơn nhưng do hệ thống sông Hoàng Long có lưu vực nhỏ, địa hình dốc, khả năng tập trung nước nhanh, vì vậy cần chủ động đề phòng lũ xuất hiện nhanh, cường xuất cao và bất thường do các trận mưa lớn cục bộ trên lưu vực gây ra, đỉnh lũ có thể vượt báo động 3...Với tình hình và điều kiện như trên, việc phòng, chống úng cho hơn 41 nghìn ha lúa mùa và rau màu gieo cấy ở 8 huyện, thành phố, thị xã, đồng thời góp phần đảm bảo môi trường vùng nông thôn, đô thị, đặc biệt là vùng trũng, vùng phân lũ là nhiệm vụ khá nặng nề, cần phải có phương án chủ động đối phó. Trên cơ sở công trình thủy lợi hiện có như trạm bơm, bờ vùng, bờ thửa, cống, hồ, đập...; quy hoạch thủy lợi, cơ cấu mùa vụ và thực tiễn mưa úng đã xảy ra trong những năm vừa qua cộng với khả năng chịu ngập của cây lúa, chỉ tiêu chống úng cho vụ mùa năm 2013 được đặt ra là: Trong điều kiện mưa 3 ngày liên tục từ 150mm đối với lúa ở giai đoạn đầu vụ đến 250mm giai đoạn giữa vụ trong mọi điều kiện (triều cường, nước đệm cả) thì phải thực hiện các phương án chống úng, đảm bảo ăn chắc 100% diện tích. Nếu mưa 3 ngày liên tục từ 300mm trở lên thì tổ chức kiểm tra, rà soát khoanh vùng ăn chắc, huy động toàn bộ nguồn lực và vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện phương án chống úng, gặt nhanh diện tích lúa có thể thu hoạch sớm và phấn đấu đảm bảo ăn chắc cho 80% diện tích còn lại. Đối với khu vực ngập úng nặng, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích mất trắng. Phương châm chỉ đạo đối với công tác chống úng đã được xác định cụ thể. Vùng tiêu chủ yếu bằng động lực gồm các huyện Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, khi xảy ra úng thì vận hành các trạm bơm bơm đúng quy trình; tùy theo diễn biến cụ thể của mưa úng và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa mà vận hành cơ số máy cho phù hợp để tiêu úng một cách nhanh và hiệu quả nhất, đảm bảo tiết kiệm điện năng. Đối với vùng tiêu kết hợp động lực và thủy triều, vùng tiêu tự chảy, thực hiện tốt việc tưới tiêu nước trong mùa mưa bão với phương châm lấy nước nhanh, thoát nhanh, khống chế mực nước trong hệ thống một cách hợp lý. Bên cạnh đó thực hiện tốt việc "chôn, rải, tháo" nước trong quá trình tiêu úng; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động tiêu nước đệm trong hệ thống hợp lý trước khi mưa bão đến gần. Đối với vùng tiêu nước đệm, tùy theo tình hình thời tiết và giai đoạn phát triển của cây trồng để có kế hoạch tiêu nước đệm trong hệ thống kênh mương nhằm hạn chế tối đa mức độ ngập úng... Biện pháp khắc phục sau úng cũng đã được xây dựng để ứng phó chủ động nếu ngập úng xảy ra. Trong đó nhấn mạnh việc thống kê, đánh giá, tổng hợp và báo cáo kịp thời về tình hình mưa, bão, úng; mức độ thiệt hại về diện tích bị ngập úng, mức độ bị ngập úng, tình trạng hư hỏng các công trình thủy lợi sau úng... và chủ động đề xuất ngay phương án sửa chữa, khắc phục hậu quả, sớm đưa công trình vào hoạt động.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh nhà đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh như: Dự án nâng cấp tuyến đê biển Bình Minh II, nâng cấp đê tả hữu Hoàng Long, đê Đầm Cút, đê Năm Căn, đê sông Vạc, sông Mới, sông Bến Đang và dự án công trình thủy lợi cầu Hội; dự án nâng cấp hồ Yên Thắng, Yên Đồng và hồ Yên Quang...
Từ tháng 4-2006, bắt đầu triển khai thi công các hạng mục công trình nâng cấp đê biển Bình Minh II với tổng chiều dài 22,8 km từ cống Như Tân đến cống Càn với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng; đê Bình Minh II được nâng cấp lên cao trình + 4,5 m, mở rộng và đổ bê tông mặt đê rộng 6 m, xây tường chắn sóng, lát mái đê... đảm bảo an toàn với mực nớc triều trung bình, kết hợp nước dâng và sóng leo ứng với bão cấp 12. Để từng bước xóa bỏ khu phân, chậm lũ cho vùng hữu Hoàng Long, Đức Long- Gia Tường, Chính phủ đã quan tâm đầu tư triển khai thực hiện các dự án nâng cấp đê tả hữu Hoàng Long; mở rộng cửu thoát lũ Mai Phương Địch Lộng; nạo vét sông Hoàng Long, sông Bến Đang; nâng cấp đê Trường Yên, đê sông Đáy kết hợp đường Bái Đính- Kim Sơn.
Đáng kể là hạng mục công trình xây dựng, nâng cấp tràn Lạc Khoái thành tràn phân lũ và tràn sự cố. Phần tràn phân lũ có chiều dài 116,8 m được sửa chữa, nâng cấp theo hướng kiên cố, hiện đại bằng bê tông cốt thép với 24 cửa điều tiết bằng cửa van thép theo hình thức đóng mở vít điện và quay tay đảm bảo lưu lượng yêu cầu cắt lũ 332 m3/s, cao trình đỉnh tràn phần cứng +4 m và cao trình đỉnh cửa van điều tiết +5,7m. Phần tràn sự cố dài 613,2 m được sửa chữa, nâng cao trình phần cứng của tràn lên +4,5m, khi các tuyến đê hoàn chỉnh đắp hoành triệt theo mặt cắt đê thiết kế... Cơ sở hạ tầng thủy lợi, phòng, chống lụt bão được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng.
Nhờ vậy mà năng lực phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể, từng bước xóa dần các trọng điểm phòng, chống lụt bão xung yếu, phục vụ kịp thời, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đồng thời cải tạo giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho công tác ứng cứu đê điều trong mùa mưa bão, cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đinh Chúc