Hàng năm, ngoài nguồn kinh phí được cấp để duy trì việc bổ sung sách báo và mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và phục vụ bạn đọc, tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thư viện, Thư viện tỉnh đã tiếp nhận nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia để bổ sung sách cho kho luân chuyển tại Thư viện, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị làm việc cho cán bộ, CNV, tăng thêm nguồn sách báo phục vụ nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân và các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa dần sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa người dân nông thôn và thành thị, dần hình thành thói quen đọc sách của người dân.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thư viện tỉnh là đã tổ chức tốt hoạt động trưng bày báo Xuân, báo Tết, tổ chức triển lãm, sáng tác câu đối Tết Xuân Quý Tỵ 2013. Hội báo Xuân Quý Tỵ được trưng bày trên 140 đầu báo và tạp chí với trên 400 ấn bản của các cơ quan báo chí, Hội nhà báo Trung ương và 61 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngoài ra còn có sự góp mặt của các ấn phẩm địa chí, các tạp chí, bản tin của một số sở, ngành trong tỉnh. Mảng câu đối Tết trưng bày 24 câu đối được tuyển chọn từ 132 câu đối của 34 tác giả tham dự.
Hoạt động trưng bày báo Xuân và câu đối Tết được cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh sưu tầm, tuyển chọn khá đa dạng, phong phú, thể hiện sự cố gắng, trách nhiệm với nghề nghiệp.
Chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, Thư viện tỉnh cũng đã tuyển chọn nhiều bản sách giới thiệu về tình hình chính trị, kinh tế - văn hóa để trưng bày, như trưng bày sách kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2; tài liệu và sách tìm hiểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Nhiệm vụ phục vụ độc giả cũng được Thư viện tỉnh quan tâm làm tốt. Năm 2012, Thư viện tỉnh cấp 1.745 thẻ bạn đọc, phục vụ 56.270 lượt bạn đọc, luân chuyển trên 134 nghìn lượt sách báo. Để phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng đến đọc và mượn sách, Thư viện tỉnh đã bổ sung 700 bản sách mới, gồm các sách văn học, khoa học thưởng thức, truyện tranh…
Từ 1-6-2012, Thư viện đã mở cửa phục vụ sách báo cho các cháu thiếu nhi trong dịp hè, phòng đọc thu hút nhiều bạn đọc nhỏ tuổi đến đọc và mượn về, trung bình phục vụ 40 lượt bạn đọc/ngày…
Để phục vụ nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và phong phú của bạn đọc, Thư viện điện tử do Trung tâm Khoa học và công nghệ thông tin Quốc gia thiết kế phần mềm ngày càng phát huy hiệu quả. Hàng ngày có từ 40-50 lượt bạn đọc đến tìm hiểu thông tin, tra cứu tư liệu.
Điều tiện dụng nhất khi sử dụng Thư viện điện tử là bạn đọc không phải vất vả tìm kiếm đầu sách, tìm kiếm nơi lưu trữ, mà còn giúp bạn đọc nâng cao khả năng tin học…
Thư viện điện tử sử dụng các phương tiện điện tử trong thu nhập, lưu trữ, xử lý, tìm kiếm và phổ biến thông tin, do đó phát huy được ưu điểm là sưu tập, bổ sung nhanh hơn, kiểm soát về chất lượng tốt hơn, chức năng tìm kiếm được cải thiện, hạn chế nhiều khâu như thư viện truyền thống…
Hơn nữa, theo ý kiến của nhiều bạn đọc, tài liệu tra cứu trên Thư viện điện tử là tài liệu gốc, chính thống, có cơ sở để tin tưởng khi áp dụng, đặc biệt còn có thể xem hình ảnh minh họa, copy tài liệu dễ dàng, đơn giản… Hiện nay, Thư viện điện tử vẫn duy trì hơn 10 máy tính, được cài đặt phần mềm lưu trữ thông tin với dung lượng lớn. Năm 2012, Thư viện điện tử được bổ sung thêm 60 nghìn tên tài liệu số hóa, đưa tổng số tài liệu hiện có trong Thư viện điện tử là 280 nghìn tài liệu.
Hàng năm, Thư viện tỉnh tổ chức hoạt động tặng sách, thực hiện luân chuyển sách xuống các Thư viện cơ sở trong tỉnh nhân ngày hội đọc sách. Thư viện tỉnh đã tặng 2 nghìn bản sách cho 7 Thư viện huyện và 3 Thư viện xã, phường (Thư viện xã Lưu Phương (Kim Sơn); xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp); thư viện phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình…
Việc tăng cường hoạt động tặng sách, luân chuyển sách nhằm thực hiện tốt mục tiêu hướng về cơ sở, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa… trong tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Thư viện tỉnh, mặc dù hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Thư viện tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới, số bạn đọc ngày càng tăng, sách được luân chuyển ngày càng nhiều; mạng lưới Thư viện cấp huyện, các ngành và cơ sở được củng cố, mở rộng, hoạt động có hiệu quả…, nhưng Thư viện tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do mức đầu tư kinh phí còn ít, bổ sung sách còn hạn chế, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu so với yêu cầu phát triển; đặc biệt là việc tin học hóa, hiện đại hóa tuyến cơ sở còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin rộng lớn như hiện nay…
Để nâng cao chất lượng công tác phục vụ người đọc, trong những năm tới, Thư viện tỉnh đề ra một số nhiệm vụ chính như: Tiếp tục hướng dẫn tra cứu bằng hình thức truyền thống và tra cứu trên máy tính.
Xây dựng mạng lưới bạn đọc rộng rãi, tạo mọi điều kiện để thu hút độc giả tham gia đọc sách báo, các hoạt động khác bằng nhiều hình thức: cho mượn về nhà, đọc tại chỗ, truy cập Internet và tra cứu cơ sở dữ liệu sách toàn văn do Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc gia tặng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình quản lý người đọc và quản lý tài liệu. Tăng cường công tác hỗ trợ sách, luân chuyển sách cho các thư viện cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, phấn đấu trung bình 1 năm luân chuyển 3 đợt/1 huyện, thị, 2 đợt/1 thư viện xã, phường.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, đặc biệt là tuyên truyền giới thiệu sách về chủ đề chiến thắng Điện Biên Phủ, thi tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ, thi tìm hiểu về biên giới Quốc gia và bộ đội biên phòng…
Quan tâm, mở rộng đầu sách, báo xuống khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để cung cấp ngày càng nhiều kiến thức thông tin cần thiết bổ ích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn….
Hạnh Chi