Thời gian 5 năm chưa phải là dài, song các bệnh viện tuyến tỉnh đều khẳng định được vị trí của các cơ sở y tế tuyến đầu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong và ngoài tỉnh. Được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và ngành Y tế, các bệnh viện được trang bị tương đối đầy đủ các máy móc phục vụ cho việc khám và điều trị. Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, các bệnh viện: Mắt, Tâm thần, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi đều được xây mới, sửa chữa... Hiện nay, công trình Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 500 giường bệnh với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng đang được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, các bệnh viện đã tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên để tiếp nhận nhiều đợt các bác sỹ có trình độ cao từ các bệnh viện trung ương về tăng cường và chuyển giao kỹ thuật. Trong đó, các bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh... đã phát huy vai trò là các bệnh viện trọng tâm của tỉnh, chú trọng phát triển, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh như: Kỹ thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng, kỹ thuật tạo hình hộp sọ bằng Titan, kỹ thuật mổ lấy thủy tinh thể ngoài bao, glaucome, mộng vá kết mạc kỹ thuật cấy/đặt máy tạo nhịp, kỹ thuật cấy, đặt máy phá rung, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy (làm mát não), nuôi, chăm sóc trẻ đẻ non dưới 1.000 gam, đẻ giảm đau, phẫu thuật nội soi cắt tử cung, u nang buồng trứng, phẫu thuật nội soi ổ bụng nhi, phẫu thuật tụ máu trong xuất huyết não ở trẻ sơ sinh... Qua đó góp phần quan trọng điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh khó mà trước kia người dân thường phải lên tuyến trung ương để chữa trị. Từ việc tự tin làm chủ được nhiều kỹ thuật mới còn là cơ sở quan trọng để từ năm 2014, 2 bệnh viện của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh được Bộ Y tế chấp thuận là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương trong các chuyên ngành: Ngoại- chấn thương, tim mạch, ung bướu, sản và nhi với mục tiêu đến năm 2018 thực hiện được 80% kỹ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương. Kết quả này mở ra thời cơ mới cho sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà khi từng bước phấn đấu trở thành các cơ sở y tế hàng đầu của khu vực đồng bằng sông Hồng, là địa chỉ tin cậy cho người dân không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh, thành phố lân cận. Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, ngân sách địa phương còn ưu tiên hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng mới, nâng cấp các trạm y tế, nhất là các xã vùng sâu, xa, vùng còn khó khăn. Đến hết năm 2011, toàn tỉnh đã có 126/146 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001- 2010. Đến hết năm 2014 có 39/145 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011- 2020. Bên cạnh cơ sở vật chất được hoàn thiện, các trạm y tế còn được đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực cũng được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm màu, máy chụp X quang, nội soi dạ dày, xét nghiệm sinh hóa... phục vụ thuận lợi nhu cầu người bệnh. Do được sự quan tâm đầu tư về mọi mặt, cộng với bản thân các cơ sở y tế trong tỉnh đã biết phát huy nội lực, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán và điều trị, đội ngũ cán bộ y tế từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nên công tác khám, chữa bệnh ở các tuyến trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến.
Các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao từng bước được các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ứng dụng thành công. Tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên giảm đáng kể. Nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân từng bước được đáp ứng. Song hành với công tác khám, chữa bệnh, công tác y tế dự phòng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mặc dù là địa bàn thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhưng nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không để xảy ra dịch bệnh lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện "ba sạch" trong sinh hoạt hàng ngày. Đến cuối năm 2014 các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đều được ngành Y tế thực hiện đạt và vượt: tỷ lệ giường bệnh/dân số đạt 25 giường bệnh kế hoạch/10.000 dân, 70% trạm y tế xã có bác sỹ, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động thường xuyên, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 8,9/10.000 dân...
Lý Nhân