Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động của tổ chức Công đoàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua?
Đồng chí Lê Thị Mai Thủy: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam, Đại hội XIII Công đoàn Ninh Bình, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự phối hợp giúp đỡ có hiệu quả của các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể xã hội, các cấp Công đoàn Ninh Bình đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản những chỉ tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 4/9 chỉ tiêu do Đại hội XIII Công đoàn Ninh Bình đề ra, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của Ninh Bình.
Trong công tác chỉ đạo điều hành, đã bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đề ra những việc trọng tâm cho từng năm để tập trung chỉ đạo làm điểm, nhân diện. Công tác chỉ đạo, điều hành đã có bước đổi mới cả về nội dung, hình thức hoạt động theo hướng đa dạng, phù hợp, thiết thực và hướng mạnh về cơ sở. Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh khóa XIII đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về: "Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp"; về "Công tác tuyên truyền pháp luật lao động cho CNLĐ trong doanh nghiệp"; về "Tăng cường vai trò Công đoàn trong tham gia quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNVC-LĐ". Các Nghị quyết được triển khai bước đầu đạt kết quả tốt. Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, an toàn và hiệu quả, phát huy sáng kiến, sáng tạo được phát động thường xuyên trong CNVC-LĐ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác.
Nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh có 3.467 đề tài, sáng kiến được đăng ký thực hiện và áp dụng vào thực tiễn, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Đã có 96 đề tài, sáng kiến cấp tỉnh, trong đó có 26 đề tài, sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo. Công tác tham gia quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được quan tâm thông qua việc tham gia xây dựng chính sách, nội quy lao động, quy chế phối hợp, ký thỏa ước lao động tập thể, thực hiện quy chế dân chủ; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động theo pháp luật; phối hợp điều tra các vụ tai nạn lao động; giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động trong doanh nghiệp; công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được tập trung chỉ đạo, có nhiều biện pháp trong tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS, kết quả đã thành lập 78 CĐCS (đạt 50% chỉ tiêu Đại hội) và kết nạp 8.884 đoàn viên (đạt 110% chỉ tiêu đề ra); tỷ lệ CĐCS vững mạnh hàng năm đạt 88%; công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Công đoàn có nhiều đổi mới, tiến hành thường xuyên và đi sâu theo từng chuyên đề…
P.V: Trong điều kiện hiện nay, làm thế nào để hoạt động Công đoàn phát huy được hiệu quả cao, đặc biệt là thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động?
Đồng chí Lê Thị Mai Thủy: Ở tỉnh ta hiện nay có trên 1.600 doanh nghiệp hoạt động với trên 80 nghìn công nhân lao động, tuy nhiên mới có 126 doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn. Hoạt động Công đoàn trong điều kiện hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn đó là: Nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn còn bất cập; công nhân lao động thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật lao động, trình độ chuyên môn, tay nghề chưa cao, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa tốt; thu nhập của người lao động còn thấp, gặp nhiều khó khăn trong điều kiện giá cả sinh hoạt tăng cao; nhiều chế độ, chính sách của người lao động ở doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm như: chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương, phúc lợi xã hội...
Một vấn đề khó khăn nữa là cán bộ Công đoàn ở doanh nghiệp thường kiêm nhiệm nên thời gian đầu tư cho hoạt động Công đoàn rất ít, dẫn đến yếu về nghiệp vụ, thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật và thiếu kinh nghiệm hoạt động Công đoàn. Điều đáng quan tâm là cán bộ Công đoàn trong doanh nghiệp thực chất là người hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên rất ít người dám đấu tranh với những biểu hiện vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, thậm chí mất việc làm.
Để Công đoàn thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp, trước hết phải có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những doanh nghiệp thực hiện chưa đúng các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi xác định, cán bộ CĐCS đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục quan tâm đến công tác lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn, tăng cường các lớp tập huấn nghiệp vụ để trang bị cho cán bộ CĐCS có kiến thức, có kỹ năng, phương pháp phối hợp, thương lượng với người sử dụng lao động trong xây dựng, thực hiện nội quy lao động, quy chế phối hợp hoạt động, đại diện thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể, tổ chức các hoạt động trong doanh nghiệp...
Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giao lưu, đối thoại tại doanh nghiệp, nhất là tạo thành quy định đối thoại định kỳ hàng tháng giữa người lao động, người sử dụng lao động và Công đoàn để kịp thời giải quyết những phát sinh trong quan hệ lao động nhằm đảm bảo lợi ích của cả hai bên.
Để hoạt động Công đoàn phát huy được hiệu quả cao nhất thì các hoạt động của Công đoàn phải không ngoài mục đích đảm bảo sự ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, có như vậy vai trò Công đoàn mới được ghi nhận, tiếng nói mới có hiệu lực để tham gia, đề xuất với người sử dụng lao động đảm bảo tốt hơn các chế độ, chính sách cho người lao động.
P.V: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, trong thời gian tới các cấp Công đoàn tỉnh cần tập trung những vấn đề gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Mai Thủy: Trong tình hình lạm phát hiện nay, với những chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng cao làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để sản xuất, kinh doanh, dẫn đến người lao động có nguy cơ thiếu việc làm, đời sống của người lao động sẽ càng gặp khó khăn, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp. Vì vậy, thời gian tới các cấp Công đoàn tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào lao động giỏi-lao động sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp vào cuộc sống.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền theo hướng sát cơ sở, lựa chọn nội dung thiết thực, đổi mới hình thức phù hợp với từng loại hình, đối tượng. Cán bộ Công đoàn thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, việc làm, đời sống của công nhân lao động trong doanh nghiệp; thực hiện tốt hơn chức năng tham gia, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, phát sinh trong quan hệ lao động nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, đời sống của người lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, các cấp Công đoàn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, giúp CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn; đề xuất với các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện Chương trình hành động 17/CT-TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 20 của BCH T.Ư khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" với những chương trình cụ thể như: Vấn đề nhà ở, đào tạo nghề cho CNLĐ, các điều kiện sinh hoạt nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, nhất là CNLĐ ở các khu công nghiệp; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; không ngừng đổi mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Công đoàn trong tình hình mới.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Hà (Thực hiện)