Ngành Bưu điện đã và sẽ làm gì trong thời gian tới. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Khánh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh. Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết khái quát sự hình thành và những đóng góp của ngành Bưu điện trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh: Lịch sử ngành Bưu điện Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ qua luôn gắn liền với lịch sử dân tộc. Thời kỳ 1930-1945, nhận thức rõ vai trò của thông tin liên lạc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, Đảng ta đã trực tiếp chỉ đạo thành lập và lãnh đạo đội quân giao thông cách mạng làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công văn, tài liệu, chỉ thị của Đảng tới các cấp ủy và chính quyền địa phương trong cả nước. Ngày 14 và 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào ra Nghị quyết thành lập "Ban giao thông chuyên môn", mở ra thời kỳ chuyển biến mới về tổ chức và hoạt động giao thông liên lạc của Đảng. Từ đó, ngày 15-8 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam.
Ở Ninh Bình, ngay từ những ngày đầu chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu ra đời, đã hình thành tổ chức thông tin liên lạc của Ninh Bình. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đầu tháng 12-1946, Ban Giao thông kháng chiến được thành lập, đây chính là tổ chức tiền thân của Bưu điện tỉnh Ninh Bình. Trải qua những chặng đường gian khổ của các thời kỳ cách mạng, cũng như trong công cuộc xây dựng CNXH, các thế hệ cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) Bưu điện tỉnh luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng; dũng cảm, tận tụy, sáng tạo trong chiến đấu và sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ sở vật chất của ngành Bưu điện rất thô sơ, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu. Nhưng với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, lực lượng giao thông liên lạc tỉnh đã giữ vững đường dây, đón đưa, dẫn đường cho hàng nghìn lượt cán bộ, bộ đội ra vào vùng địch hậu, truyền đưa kịp thời công văn, tài liệu an toàn phục vụ kháng chiến, góp phần làm nên thắng lợi các chiến dịch Quang Trung, Tây - Nam Ninh Bình và đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, CB-CNV Bưu điện tỉnh đã tỏ rõ phẩm chất ngoan cường, gan dạ, mưu trí bám tổng đài, bám đường dây, thực hiện khẩu hiệu "Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương", đồng lòng quyết tâm giữ vững mạch máu thông tin liên lạc, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm bắn phá của địch... xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (được trao tặng năm 2002).
P.V: Trong thời kỳ đổi mới, Bưu điện tỉnh đã đề ra chiến lược như thế nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và kết quả ra sao?
Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh: Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với quyết tâm làm chủ những trang thiết bị hiện đại, mỗi CB-CNV Bưu điện tỉnh đã phải vượt lên chính mình, đáp ứng mọi nhu cầu phục vụ các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Thực hiện chiến lược tăng tốc bưu chính - viễn thông của ngành (1993- 2000), CB-CNV Bưu điện tỉnh đã "số hóa" toàn bộ mạng viễn thông; 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có báo chí đọc trong ngày; mạng lưới ngày càng mở rộng và hiện đại; nhiều loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông được phát triển.
Thực hiện phương án chia tách bưu chính, viễn thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố của Tập đoàn BCVT Việt Nam, kể từ ngày 1-1-2008, Bưu điện tỉnh được chia tách thành 2 đơn vị kinh tế độc lập là Bưu điện Ninh Bình (mới) và Viễn thông Ninh Bình. Bưu điện tỉnh là đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, với chức năng vừa kinh doanh vừa phục vụ công ích. Đối mặt với những khó khăn sau khi chia tách, bám sát chủ trương, định hướng chỉ đạo của Tập đoàn BCVT và Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, Bưu điện tỉnh đã tập trung các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng yếu mang tính quyết định làm nền tảng cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới, như: Nhanh chóng ổn định tư tưởng, nhận thức của CB-CNV; sắp xếp lại tổ chức sản xuất; xây dựng các nội quy, quy chế nội bộ; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các dịch vụ tạo sự khác biệt về chất. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời phát huy nguồn nhân lực và tận dụng năng lực mạng lưới sẵn có, ngoài những dịch vụ truyền thống, Bưu điện tỉnh đã phát triển nhiều dịch vụ mới, đặc biệt là mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác, ký hợp đồng làm đại lý kinh doanh các dịch vụ, hàng hóa khác, cho thuê văn phòng... Hiện nay, Bưu điện Ninh Bình có thể đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của khách hàng, như: Gửi thư, bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh EMS, đặt mua báo chí, chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài gửi về qua dịch vụ Western Union, gửi tiền tiết kiệm và mở tài khoản tiết kiệm cá nhân, chuyển quà tặng và điện hoa, mua bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới, nộp phí bảo hiểm Prudential và Daichi Life, cấp đổi hộ chiếu, thanh toán tiền đặt mua vé máy bay, sử dụng các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin. Sau 1 năm rưỡi chính thức đi vào hoạt động, đến nay Bưu điện tỉnh đã cơ bản hoàn thiện bộ máy hoạt động. Công tác phát triển sản xuất, kinh doanh cũng được duy trì ổn định, một số dịch vụ bưu chính đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với trước khi chia tách. Năm 2008, Bưu điện tỉnh đã thực hiện hoàn thành 107% kế hoạch được giao. 6 tháng đầu năm 2009, mặc dù những khó khăn của nền kinh tế trong nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Bưu điện tỉnh nhưng đơn vị đã phấn đấu đạt 49,41% kế hoạch doanh thu phát sinh, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2008.
P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp sản xuất, kinh doanh của Ngành trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh: Trong thời gian tới, ngành Bưu điện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ CB-CNVC lao động. Đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh, lề lối làm việc, phong cách, thái độ phục vụ khách hàng. Phát động CB-CNV tự học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, sản xuất, cơ cấu lao động. Chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thống và mở thêm các dịch vụ mới có doanh thu cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách hàng. Làm tốt công tác tiếp thị, chăm sóc khách hàng nhằm giữ vững và mở rộng thị phần. Xây dựng các cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích các đơn vị, người lao động tăng doanh thu, tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng các dịch vụ và giảm chi phí, góp phần cùng Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đạt được mục tiêu cân bằng thu chi toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ năm 2014.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (Thực hiện)