Thực hiện lời dặn của Bác, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra tại mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Quan điểm phải không ngừng chăm lo nâng cao đời sống nhân dân được cụ thể hóa trong mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020: "Phát triển văn hóa - xã hội toàn diện; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân". Để thực hiện mục tiêu này, BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ, khoa học theo phương châm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa nông thôn với thành thị.
Theo đó, hàng loạt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, vùng nghèo được ban hành: Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp; chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế; hỗ trợ vốn vay xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm; quan tâm phát triển giáo dục, y tế; huy động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội, Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên cho người dân… Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 140 về "Phân công các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù". Đến nay các cơ quan, đơn vị phụ trách phối hợp với doanh nghiệp kết nghĩa đã ủng hộ, giúp đỡ các xã đặc thù tổng giá trị trên 47 tỷ đồng và đã có 17/56 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn của Công ty TNHH giầy Athena Việt Nam. Ảnh: Trường Giang
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác an sinh xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp đến từng người dân đã "vào cuộc" một cách tích cực, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là những địa phương khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong quá trình tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực giảm nghèo như: Mô hình liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, HTX; mô hình "cầm tay chỉ việc"; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho thanh niên khởi nghiệp… Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, CCB, Thanh niên... đã trực tiếp đứng ra hướng dẫn và giúp đỡ các hộ nghèo biết cách làm ăn, để áp dụng được các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đã huy động hàng nghìn tỷ đồng (bao gồm cả ngân sách Trung ương và địa phương) cho mục tiêu giảm nghèo để xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm cho 63.143 lao động, trong đó có 3.400 người đi xuất khẩu lao động; xây dựng, cải tạo, sửa chữa hàng trăm ngôi nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách... Bên cạnh đó, các địa phương còn phối hợp với ngành chức năng cấp thẻ BHYT, giấy chứng nhận hộ nghèo cho các đối tượng đã được bình xét nhằm giúp các hộ nghèo được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục.
Cùng với quan tâm chăm lo đời sống người nghèo, trong nhiều năm qua, Ninh Bình còn thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công. Việc thăm hỏi, tặng quà, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em, các đối tượng bảo trợ xã hội trở thành nét đẹp văn hóa của người Ninh Bình. Năm 2018, tỉnh đã huy động các nguồn lực sửa chữa 2.128 nhà ở cho người có công với kinh phí gần 64 tỷ đồng.
Sự quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ về vật chất mà trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, ngành trong tỉnh chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Từ các nguồn vốn, nhất là nguồn xã hội hóa, tỉnh đã xây dựng không gian văn hóa, hoàn thiện hệ thống cơ quan báo chí, thư viện, nhà văn hóa trung tâm huyện, xã, thôn bản, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Phong trào luyện tập thể dục, thể thao quần phát triển rộng khắp; tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên giai đoạn 2016 - 2018 đạt 29,1%. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả quan trọng khi mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư cả về vật chất, trang thiết bị lẫn đội ngũ y, bác sĩ, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đến hết năm 2018, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 88,9%, có 11,8 bác sỹ/1 vạn dân, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường được đẩy mạnh, tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch năm 2018 đạt 94,5%, đạt và vượt kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.
Bằng những cách làm hay, sáng tạo, Ninh Bình đã phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2015 của tỉnh Ninh Bình là 7,46%; năm 2018 còn 3,63%; chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thành quả của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế- xã hội hôm nay là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm chính trị, đoàn kết một lòng với quan điểm việc gì có hiệu quả, có lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm làm và làm tới cùng, tiếp tục thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh " Để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" .
Mai Lan