Chị Nguyễn Thị Nhâm, 37 tuổi, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) mắc COVID-19 từ ngày 9 và đến 21/2 thì khỏi bệnh. Những ngày cách ly, điều trị bệnh tại nhà và những ngày mới khỏi sau đó, chị Nhâm thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường. Nhưng sau khi có kết quả âm tính 1 tuần, chị lại thấy đau tức ngực, ho kéo dài có đờm, người mệt mỏi toàn thân và không ăn uống được nhiều.
Chị Nhâm cho biết, trước các triệu chứng bệnh như vậy, chị đến Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư để khám bệnh. Sau khi được các bác sĩ kiểm tra, thăm khám lâm sàng và thực hiện các biện pháp cận lâm sàng, chị được chẩn đoán viêm phế quản, viêm phổi phải nhập viện điều trị. Tại đây, sau 3 ngày được dùng thuốc tiêm và truyền, các triệu chứng bệnh mới giảm. Theo chị Nhâm, chị vốn làm nghề tự do, nên sức khỏe trước đây rất tốt, chưa bao giờ bị bệnh gì, không ngờ sau khi mắc COVID-19 lại có thể mệt mỏi, yếu đi như vậy.
Với chị Phạm Thị Minh Hoa, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cũng vậy. Ban đầu khi mắc COVID-19, chị Hoa chỉ có triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau 1 tuần mà không cần dùng nhiều loại thuốc. Thế nhưng, không hiểu sao sau khoảng chục ngày khỏi bệnh, chị Hoa lại thấy xuất hiện những triệu chứng không bình thường đối với cơ thể. Đó là thấy ho nhiều, mất ngủ thường xuyên và đau tức ngực. Lo lắng cho sức khỏe, chị Hoa buộc phải đi khám để được hướng dẫn điều trị.
Theo chị Hoa, do còn trẻ, mới gần 30 tuổi, trước đây sức khỏe rất tốt nên chị khá bất ngờ sau khi mắc COVID-19 có thể giảm sức khỏe và mệt mỏi như vậy. Bản thân chị cũng đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, khi mắc bệnh cũng không thấy có vấn đề gì lắm, vẫn ăn uống tốt, ngủ được. Nhưng sau khi khỏi bệnh lại thấy có các triệu chứng đau đầu, ho dai dẳng và ăn không ngon miệng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người sau khi mắc COVID-19 đều bị những triệu chứng về sức khỏe. Nhiều người sau khi khỏi bệnh vài ngày, cơ thể nhanh chóng phục hồi hoàn toàn. Chị Trần Thị Mai, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) bảo, sau khi khỏi bệnh 3 ngày, chị thấy sức khỏe tốt, lại bắt tay vào cấy ruộng, làm các công việc nhà nông một cách bình thường như trước đây. Theo chị Mai, cứ ăn khỏe, công việc bận rộn, tinh thần lạc quan là ổn hết...
Bác sĩ Dương Đình Tính, Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư cho biết: Theo tìm hiểu, những triệu chứng liên quan đến hậu COVID-19 vẫn còn là kiến thức y khoa đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét, đối chứng và kết luận. Tuy nhiên, qua thăm khám thực tế cho các ca bệnh hậu COVID-19 nhập viện điều trị trong thời gian gần đây, phần nhiều nguyên nhân của các triệu chứng được cho là từ tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc trong 1 thời gian hoặc do những tổn thương của cơ thể trong quá trình bị vi rút xâm nhập.
Theo nhiều bệnh nhân từng mắc COVID-19, ngay trong thời gian bị bệnh và sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân thường có nhiều triệu chứng cùng lúc, nhưng phổ biến nhất là mệt mỏi, đau tức ngực, ho kéo dài, thở hụt hơi kèm theo căng thẳng, lo âu dẫn đến mất ngủ. Nếu các tình trạng bệnh này kéo dài thường xuyên và không được can thiệp kịp thời, sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề về sức khỏe khác khiến người bệnh luôn mệt mỏi, chán nản, nếu kéo dài không có phương án điều trị dễ gây trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực làm hại bản thân...
Bác sỹ Vũ Thị Bích Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Ninh Bình cho biết: Không phải ai mắc COVID-19 cũng gặp các vấn đề hậu COVID-19, tuy nhiên cũng không chủ quan, đặc biệt khi thấy các các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp và phổi sau khi khỏi bệnh. Bởi với những người được xác định gặp vấn đề hậu COVID-19 sẽ rất đa dạng về triệu chứng, thậm chí còn thay đổi, tái phát theo thời gian.
Thực tế, không phải ai sau khi mắc COVID-19 cũng gặp các vấn đề liên quan đến hậu COVID-19. Mỗi người có những liên quan đến hậu COVID khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau và không phải ai cũng gặp vấn đề nghiêm trọng. Nhiều người vì quá lo lắng nên thường nghĩ bệnh nặng hơn thực tế khi xuất hiện các triệu chứng sau khi đã khỏi bệnh. Nhưng một trong số những vấn đề hậu COVID-19 mà người bệnh có thể gặp phải, cần lưu ý đặc biệt đến di chứng về phổi.
Biểu hiện rõ nhất các tổn thương ở phổi, là tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng; ho kéo dài, đau tức ngực; suy giảm chức năng hô hấp... Do đó, khi có các triệu chứng này kéo dài, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, phân loại, đánh giá mức độ, từ đó đưa ra hướng điều trị dứt điểm, tránh tình trạng chủ quan, bệnh tiến triển nặng có thể gây bệnh xơ phổi hoặc tắc mạch phổi, gây khó khăn, kéo dài trong quá trình điều trị.
Cũng theo bác sĩ Vũ Thị Bích Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Ninh Bình, nhiều bệnh nhân sau mắc COVID-19 có tâm lý lo lắng, hoang mang kéo dài dẫn đến stress. Vì vậy, mỗi người cần lạc quan, làm việc phù hợp, tập luyện thể thao, sinh hoạt lành mạnh, tìm kiếm niềm vui, sự thoải mái cho mình để giải tỏa những lo lắng không đáng có.
Trong đó, quan tâm đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp. Như ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ bữa dù không muốn ăn. Nên tập thói quen ngủ 6-8 tiếng/đêm và ngủ trước 23h. Nên giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử trong ngày, đặc biệt trước khi ngủ. Phòng ngủ nên sạch sẽ, yên tĩnh, đủ tối và có nhiệt độ thích hợp. Cùng với đó có chế độ tập luyện thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân...
Bài, ảnh: Hạnh Chi