Nếu như năm 1992, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở đào tạo nghề với hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng, số lượng đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế, thì đến năm 2009, số cơ sở dạy nghề đã phát triển lên 53 cơ sở. Tuy nhiên, trước đòi hỏi phải nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề tỉnh ta đã rà soát và sắp xếp lại, đến nay chỉ còn 33 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn quy định (với 5 giáo viên trình độ tiến sỹ; 349 trình độ thạc sỹ; 612 trình độ đại học). Chất lượng lao động cũng từng bước được nâng lên rõ rệt.
Ở thời điểm sau khi tái lập tỉnh, lực lượng lao động của tỉnh ta chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 14,5% (trong đó đào tạo nghề là 10,3%) thì đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 66,5%; tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn đạt trên 80%. Cùng với đó, tỉnh ta cũng đã triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển thị trường lao động. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tạo việc làm cho người lao động.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5 khu công nghiệp, 11 cụm công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm tỉnh ta giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn người. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội... Nhờ đó, đã kết nối giải quyết việc làm cho gần 13 nghìn lao động, đạt 66,2% kế hoạch năm 2022, vượt 23,06% so với cùng kỳ năm 2021...
Theo thống kê mới nhất, số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc khoảng 481,6 nghìn người, chiếm 98,8% so với lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,34% và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi là 1,11%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, thực tế cho thấy chất lượng nguồn lao động của tỉnh ta vẫn chưa phát triển kịp so với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Tính thích ứng, chủ động, linh hoạt còn hạn chế, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập của thị trường lao động tỉnh nhà như: áp lực giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động rời khỏi thị trường lao động, trong đó chủ yếu là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với tình hình sau dịch…
Nhìn từ Trung tâm Dịch vụ việc làm cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, Trung tâm đã thực hiện 10 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 1 phiên chuyên đề, trọng điểm và 3 phiên trực tuyến kết nối với 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Trong các phiên giao dịch đã thu hút 250 lượt doanh nghiệp tham gia với trên 40 nghìn lượt chỉ tiêu tuyển dụng. Qua đó, đã tư vấn việc làm cho trên 21 nghìn lao động, tuy nhiên mới chỉ giới thiệu thành công cho 1,6 nghìn người.
Như vậy, số lao động được tuyển dụng thấp hơn rất nhiều so với tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Một trong những nguyên nhân đó là vẫn còn sự "lệch pha" giữa cung- cầu lao động.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, cùng với nỗ lực xây dựng, hoàn hiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả công tác kết nối cung cầu lao động và chất lượng dịch vụ việc làm thì việc hiện đại hóa phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp được coi là nhiệm vụ đột phá, chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ công nhân lành nghề.
Trong định hướng đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 7 trường công lập (5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp), được lựa chọn đào tạo 29 ngành, nghề trọng điểm (tính theo đơn vị trường và cấp độ), với 8 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực Asean, 14 nghề cấp độ quốc gia. Cụ thể, các trường trực thuộc bộ, ngành là: Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình; Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô; Cao đẳng nghề số 13; Cao đẳng nghề Lilama1 và Trung cấp Kỹ thuật- Du lịch công đoàn Ninh Bình... thực hiện 25 nghề trọng điểm. Trong đó, có 8 nghề cấp độ quốc tế, bao gồm công nghệ ô tô; cắt gọt kim loại; điện công nghiệp; hàn; chế tạo thiết bị cơ khí...; 6 nghề cấp độ khu vực ASEAN, gồm: vận hành máy thi công nền; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ ô tô; hàn; kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ...
Có 2 trường trực thuộc tỉnh là Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Du lịch tỉnh Ninh Bình và Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, thực hiện đào tạo với 4 nghề trọng điểm, trong đó có 1 nghề cấp độ khu vực Asean là dược và 3 nghề cấp độ quốc gia là vận hành máy nông nghiệp, may thời trang và hướng dẫn du lịch.
Hiện nay, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã và đang tích cực, chủ động triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đồng bộ, hiện đại cho các đơn vị là cơ hội để các trường đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tập trung đào tạo lao động chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao. Là một trong những cơ sở đào tạo nghề uy tín trên địa bàn tỉnh, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cũng đã và đang thay đổi tích cực để thích ứng.
Ông Phạm Ngọc Vũ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Để không bị "tụt hậu" so với nhu cầu lao động của thị trường, nhà trường cần phải thay đổi tích cực và mạnh mẽ hơn nữa.
Theo đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các ứng dụng: Google Meet; Zalo…. Qua đó điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng như định hướng mở mã ngành, nghề mới. Để tạo sự hợp tác chặt chẽ, nhà trường cũng sẽ tăng cường mở hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời nắm bắt thêm mong muốn của doanh nghiệp đối với chất lượng nguồn lao động.
Thực tế cho thấy, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề thì các doanh nghiệp còn đặt yêu cầu cao ở người lao động về các kỹ năng khác như ý thức kỷ luật, tác phong làm việc, đặc biệt là khả năng làm việc nhóm; tinh thần học hỏi…
Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, bên cạnh chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghề, nhà trường cũng thiết kế những tiết học phù hợp nhằm trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
Đào Hằng