Về vùng trồng chè truyền thống Về vùng chè nổi tiếng của xã Quang Sơn, hỏi chuyện về lịch sử của cây chè truyền thống, chúng tôi được người dân giới thiệu đến gặp ông Trần Ân Thưởng, một đảng viên có gần 50 năm tuổi Đảng, hơn 80 năm tuổi đời ở thôn Tân Thượng, một trong 5 thôn trồng chè của xã. ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Trần Ân Thưởng giọng nói vẫn sang sảng, hào hứng khi được hỏi về cây chè. Nhanh tay hãm ấm chè xanh Ba Trại mời khách, ông tâm sự về gia cảnh cũng như lý do gắn bó với cây chè. Gia đình ông đã 6 đời gắn bó với cây chè, từ thời đóng khố cuốc đất trồng chè thuê cho đến khi làm chủ nhân của những cây chè đặc sản. Đến khi lớn lên, có gia đình và theo nghề "gõ đầu trẻ", nhưng cây chè vẫn gắn bó với ông và gia đình bởi khi đó thu nhập từ trồng chè cao hơn nhiều so với đồng lương giáo viên của ông. Khi chuyển về quê dạy học, cứ sáng lên lớp, chiều về ông Thưởng lại cùng vợ con ra đồi chè chăm sóc, cắt tỉa…
Ông vẫn nhớ, những năm 1960 của thế kỷ trước, khi việc giao thương chưa thuận tiện như bây giờ, ông và nhiều gia đình trồng chè ở xã thường vào ngày có lịch chạy tàu, đòn tre gánh một gánh chè lá nặng hơn người đem ra ga Đồng Giao để giao cho thương lái chở vào Thanh Hóa tiêu thụ. Dần dần, qua hoạt động của thương lái trong vùng, chè xanh Ba Trại đã đến với người tiêu dùng ở một số tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định… Khi được hỏi về những cây chè cổ mà chúng tôi thường được nghe kể, cứ có cảm giác như nghe những câu chuyện cổ tích về chè Ba Trại.
Như gia đình ông Thưởng cũng sở hữu một cây chè cổ hơn 100 tuổi gọi là cây chè cây rụt. Với những người dân gắn bó với cây chè như ông Thưởng, duy trì cây chè không chỉ là "miếng cơm manh áo" mà còn là duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại, là cây đặc sản mang đậm đặc thù của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Với khí hậu, thời tiết đa dạng, đất trên địa bàn chủ yếu là đất đồi thấp, thích hợp với những cây công nghiệp như cây chè, cây dứa… nên cây chè ở Ba Trại được đánh giá là lá xanh, dầy, uống chè có vị đậm đà hơn so với chè được trồng ở các vùng khác. Vì là nghề "cha truyền con nối" nên ngay trong cách chăm sóc, cắt tỉa cây chè, người dân cũng tuân thủ những nguyên tắc "truyền miệng": nuôi bò cùng với trồng chè để đảm bảo trong 3 tháng không bón phân, không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân bò để bón cho cây, mỗi năm chỉ bón 1-2 lần, việc cắt tỉa cành cũng chỉ 1 năm tiến hành 2 lần, phải sau 3 năm trồng mới bắt đầu thu hoạch cành, cây chè càng nhiều tuổi thì vị nước chè càng ngon và đặc sắc…
Thấp thỏm cho sự phát triển của cây chè
Trong một ngày về Quang Sơn, đến tầm gần 11 giờ trưa chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước không khí ở xã miền núi đã thực sự sôi động bởi hoạt động từ… cây chè. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã dẫn chúng tôi đi thăm một số đại lý thu mua chè trên địa bàn và giới thiệu về hoạt động tiêu thụ sản phẩm nơi đây. Với hơn chục đại lý thu mua chè xanh, trung bình mỗi ngày tại Quang Sơn đã thu gom khoảng 10 tấn chè xanh, chủ yếu là chè cành đi tiêu thụ tại các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định… Trong đó, chỉ riêng việc tiêu thụ tại tỉnh Thái Bình đã khoảng 7 tấn/ngày, đại lý cung ứng lớn nhất khoảng 1 tấn/ngày.
Vào dịp hè, thời tiết nắng nóng như hiện nay, chè xanh là sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn so với ngày thường. ở gần một đại lý thu mua chè xanh, bà Nguyễn Thị Chiến (thôn Tân Thượng) cho biết: Từ năm 1968, tôi đã gắn bó với cây chè ở cương vị cán bộ kỹ thuật của HTX Quang Sỏi. Thời điểm ban đầu, chè được bán theo hình thức "mạnh ai nấy làm", mọi người cứ hái đem ra chợ bán theo nón hoặc người thu mua đến tận ruộng hái, chủ yếu là hái lá. Cách này tuy giá cao hơn nhưng thời gian hái lâu, đòi hỏi phải có nhiều nhân lực để thu hoạch. Sau này, người dân chuyển sang hái cành, tuy giá có thấp hơn chè lá nhưng lại thu hoạch nhanh, đỡ tốn nhân lực. Có thời kỳ, HTX sao chế chè để cung ứng cho Công ty thương nghiệp Yên Mô, việc thu hoạch chè được tính cho xã viên theo hình thức nộp sản phẩm bằng tiền hoặc thu hái chè búp tươi, sao sấy chè búp khô cho Nhà nước để đổi lấy gạo…
Sang đến những năm bao cấp, cây chè bị bỏ hoang nhiều do tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân cũng vì thế chịu ảnh hưởng. Những năm gần đây, chè xanh lại gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng giải khát xuất hiện nhiều trên thị trường như: bia, nước giải khát, cà phê… Có những thời điểm, chè xanh chỉ dành cho người cao tuổi, người "nhà quê". Việc tiêu thụ chè của người dân ít nhiều gặp khó khăn. Đặc biệt, vào những khi gặp thời tiết mưa nhiều, chè tốt nhưng giá lại thấp do nhu cầu sử dụng chè vào những ngày mát trời giảm mạnh. Trong khi, vào dịp thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ chè tăng cao nhưng cây chè lại kém phát triển do sâu bệnh nhiều, nhất là rầy nâu phá ảnh hưởng đến búp chè.
Hiện nay, việc tiêu thụ chè của vùng chè Quang Sơn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, chưa mở rộng ra các tỉnh, thành khác, chưa có nhiều người biết đến thương hiệu chè Ba Trại. Theo một số người dân địa phương, chè xanh Ba Trại nếu không làm tốt khâu quản lý còn dễ xảy ra tình trạng người kinh doanh hám lợi, sẵn sàng trà trộn chè xanh ở một số vùng khác vào để bán với thương hiệu của chè Ba Trại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu chè đặc sản của Quang Sơn. Bên cạnh đó, cũng vì mục đích lợi nhuận, có hộ không tuân thủ việc sử dụng và bón phân theo đúng quy trình khoa học, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người dùng chè…
Khôi phục và đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cho chè xanh Ba Trại
Hiện chè xanh Ba Trại được trồng tại 5 thôn của xã Quang Sơn là: Tân Nam, Tân Nhuận, Tân Trung, Tân Thượng, Tân Hạ thuộc HTX Quang Sỏi với tổng diện tích 175 ha, có 600 hộ gia đình với 1.200 lao động tham gia sản xuất. Sản phẩm chè xanh Ba Trại cung cấp cho thị trường chủ yếu là chè cành 2 lứa/năm, sản lượng bình quân đạt 12,5 tấn/ha, giá trị sản phẩm đạt 50 triệu/ha, trừ chi phí còn thu lãi 30 triệu đồng/ha/năm. Xác định cây chè luôn là cây trồng chủ lực của địa phương cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế, xã đã đẩy mạnh việc vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2006-2010, nhằm tận dụng và khai thác tối đa khả năng đất đai, xã đã mạnh dạn đưa cây dứa vào trồng xen canh cây chè.
Đây là mô hình được đánh giá có nhiều ưu điểm, mang lại lợi ích kinh tế cao, do vậy đã đưa diện tích trồng dứa của xã tăng nhanh qua từng năm. Đến năm 2010, xã đã có 25-30% diện tích chè được trồng xen dứa, diện tích dứa hàng năm đạt 40- 50 ha, cho sản lượng hàng năm đạt khoảng 1.000 tấn, diện tích chè của xã đạt khoảng 200 ha, sản lượng 1.700 tấn, sản lượng bình quân đạt 8,5 tấn/ha. Đến nay, xã đã phát triển được 40-50 ha chè xen dứa và 175 ha chè, sản lượng đạt 2.150 tấn/năm… Để hỗ trợ người trồng chè, xã Quang Sơn còn chỉ đạo các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân đẩy mạnh chuyển giao KHKT, tập huấn để các hộ trồng chè có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thu hoạch chè đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật và khoa học, thực hiện cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân, mời kỹ sư về tổ chức hội thảo trực tiếp đầu bờ…
Được sự hỗ trợ của địa phương, người trồng chè đều tuân thủ tốt quy trình trồng, chăm sóc chè. Nhiều hộ gia đình đã áp dụng đúng các nguyên tắc chăm sóc, cắt tỉa chè mà ông cha để lại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Chiến, người có kinh nghiệm trồng chè ở thôn Tân Thượng: Nếu như một số vùng chè khác thu hoạch cả búp chè tươi để chế biến thành chè búp sao thì tại Quang Sơn, người trồng chè không thu hoạch búp chè. Bởi hiện nay, không phải gia đình trồng chè nào cũng sử dụng phân bón đúng cách, đúng thời gian quy định nên sử dụng búp chè để uống rất nguy hiểm nếu búp chè thấm đẫm phân bón hóa học. Do đó, người trồng chè Ba Trại chỉ tập trung thu hoạch chè cành để hạn chế đến mức thấp nhất việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè của mình. Việc tiêu thụ chè của người dân được thường xuyên, nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào chất lượng lá chè nên các hộ trồng chè đều tâm niệm việc giữ gìn thương hiệu, uy tín cho cây chè của gia đình nói riêng, chè Ba Trại nói chung.
Cùng với nỗ lực của địa phương và người trồng chè ở Quang Sơn, sự phát triển của cây chè cũng như việc khôi phục, xây dựng thương hiệu cho chè xanh Ba Trại còn nhận được sự quan tâm của Thành ủy Tam Điệp. Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã suy nghĩ đến việc tìm hướng đi đúng cho sản phẩm chè Ba Trại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tiến tới tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương. Hiện Nghị quyết về "Lãnh đạo xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Tam Điệp" đã được xây dựng, lấy ý kiến đóng góp của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố. Trong đó, giải pháp với cây chè Ba Trại là củng cố, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc quản lý, điều hành sản xuất, hợp tác với các địa phương khác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, thành phố và địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, kêu gọi đầu tư vốn, công nghệ để phát triển sản xuất, vận động người dân tham gia vào HTX, các tổ chức hội để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh nhằm quảng bá, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm chè xanh Ba Trại.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan, nhà khoa học thực hiện việc duy trì, bảo tồn những cây chè Ba Trại có nhiều năm tuổi chất lượng tốt, làm cơ sở cho việc nhân giống mới, cải tạo vườn chè, ứng dụng các tiến bộ KHKT để tạo nguồn giống sạch bệnh, có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Thành phố sẽ quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng khu vực trồng chè, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, có chính sách ưu đãi đối với các hộ sản xuất chè. Đặc biệt, thực hiện xây dựng mối liên kết hợp tác trong sản xuất gắn với doanh nghiệp để phát triển thị trường, xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu chè xanh Ba Trại của thành phố…
Phan Hiếu