Chị Phương, quản lý một cửa hàng bánh Trung thu trên đường Lê Hồng Phong cho biết, bánh Trung thu năm nay có nhiều loại như: Bánh nướng truyền thống, bánh dẻo, bánh cho trẻ em, bánh cho người ăn kiêng… Các loại nhân bánh cũng đa dạng như: nhân bào ngư, gà quay, nấm đông cô, đậu đỏ… Trọng lượng mỗi chiếc bánh từ 120 - 250gam, loại bánh to có trọng lượng 800gam. Giá bánh Trung thu dao động từ 40.000 - 62.000 đồng/cái cho loại bánh có trọng lượng dưới 150gam, loại bánh nặng 250gam có giá từ 57.000 - 160.000 đồng/cái và loại bánh trọng lượng 800gam có giá dao động từ 300.000 - 470.000 đồng/cái.
Chị Phương cho biết: "Tôi bán bánh được khoảng hơn 2 tuần nay. Tuy nhiên, khách hàng chỉ mới đi hỏi giá, tham khảo chất lượng chứ chưa mua nhiều. Mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được trên dưới chục cái bánh".
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bên cạnh những sản phẩm bánh nướng nhân truyền thống như: gà quay, thập cẩm, xá xíu, đậu xanh, jambon, vi cá, đậu đỏ, hạt sen... mùa Trung thu năm nay, các doanh nghiệp đều tung ra những sản phẩm mới để thu hút khách cũng như rất chăm chút cho bao bì sản phẩm.
Chẳng hạn như Mondelez Kinh Đô đưa ra thị trường nhiều hương vị mới như cua sốt kiểu Singapore, bánh Mochi, dòng bánh Custard… Trong khi đó, Công ty Bibica năm nay đưa ra thị trường một số dòng bánh mới như bánh Trung thu Mochi (Nhật), bánh Trung thu trái cây nhiệt đới, bánh Trung thu làm từ những nguyên liệu tốt cho sức khỏe như đông trùng hạ thảo, hạt chia…
Theo đại diện cửa hàng Thanh Vân (đường Lê Hồng Phong), giá bánh Trung thu năm nay ít biến động so với năm ngoái, chỉ một số ít dòng sản phẩm của các thương hiệu có tiếng tăng giá 2-5%. Ghi nhận cho thấy thời điểm này thị trường vẫn còn im ắng. Khách chủ yếu đến xem đặt hàng, ít người mua. Anh Tân (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: Anh đi tham khảo giá bánh Trung thu trước để khoảng 2 tuần nữa mới đặt mua cho công ty tặng quà nhân viên.
Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu của Ninh Bình cũng bắt đầu vào mùa. Mùa bánh Trung thu của các lò bánh thường kéo dài khoảng 1,5 tháng (từ đầu tháng 7 âm lịch đến Rằm tháng tám), trong đó cao điểm là từ đầu tháng tám âm lịch đến Tết Trung thu.
Qua tìm hiểu được biết: Bánh Trung thu của cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Ninh Bình có thời gian bảo quản ngắn (chỉ 10-20 ngày) nên luôn tươi ngon. Hãng bánh kẹo thường đi vào thế mạnh là bánh truyền thống với nhân thập cẩm, đậu xanh, nhân dừa, bánh một trứng, hai trứng, bánh chay, bánh mặn… giá cả phù hợp với số đông người tiêu dùng, dao động từ 25.000-70.000 đồng/chiếc.
Bên cạnh đó, dạo quanh "thị trường online" bánh Trung thu handmade cũng đang được rao bán rầm rộ. Mặc dù mới xuất hiện vài năm nhưng bánh Trung thu handmade đã trở thành một dòng sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn. Năm nay, các sản phẩm handmade cũng cạnh tranh gay gắt trên thị trường online. Từ tháng 6 âm lịch, các chị em nội trợ đã đăng ảnh rao bán bánh Trung thu trên diễn đàn "Mua bán thành phố Ninh Bình". Để thu hút khách hàng, họ đã tìm nhiều công thức mới lạ, thay đổi mẫu mã, sáng tạo trong cách làm.
Ngoài ra, để khiến người mua yên tâm hơn trước các tin đồn bánh Trung thu handmade sử dụng màu thực phẩm, người bán luôn luôn nhấn mạnh về độ an toàn của sản phẩm mà mình tự làm ra. Facebook H.K (thành phố Ninh Bình) mỗi ngày hàng chục lượt đăng tải quảng cáo bánh Trung thu handmade do người nhà tự làm đảm bảo an toàn về chất lượng cũng như vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm cũng khá đa dạng, gồm bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm truyền thống... Các khách hàng đặt đến đâu làm đến đó nên nguyên liệu không thể tươi ngon hơn.
Trung bình một chiếc bánh Trung thu handmade được bán với giá 50.000 - 80.000 đồng/chiếc, tùy trọng lượng, tương đương giá bánh của các nhãn hiệu lớn. Nhưng do ưa thích mẫu mã bắt mắt của loại sản phẩm này cũng như tin tưởng vào người rao bán nên nhiều người đã đặt mua từ các cửa hàng online.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm