Tỷ lệ nợ quá hạn vay XKLĐ cao Thực hiện chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, những năm qua NHCSXH đã tích cực triển khai, giúp nhiều con em của quê hương được vay vốn, qua đó góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh hoạt động XKLĐ của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh.
Đa số lao động được vay vốn đều được đưa đi làm việc ở nước ngoài, thực hiện đúng hợp đồng lao động, có thu nhập ổn định. Sau thời hạn xuất khẩu lao động đã hoàn trả tiền lãi, tiền gốc vay ngân hàng và có thêm nhu nhập giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên thành hộ khá giả.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, hiện nay chương trình cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài đang có tỷ lệ nợ quá hạn cao.
Theo số liệu của NHCSXH tỉnh, đến hết 31-7-2015, tổng dư nợ cho vay chương trình XKLĐ là 5 tỷ 310 triệu đồng với 184 hộ được vay vốn. Nợ quá hạn gần 1,4 tỷ đồng (55 hộ vay), chiếm tỷ lệ 26,2% tổng dư nợ chương trình, trong đó nợ khoanh 271 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Ninh Bình cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế, chính trị ở nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng lao động bị phá sản..., dẫn đến người lao động phải về nước trước thời hạn.
Các công ty XKLĐ chưa thanh lý hợp đồng nên người vay chưa trả nợ ngân hàng. Một số trường hợp ngân hàng đã chuyển tiền vay cho doanh nghiệp XKLĐ nhưng doanh nghiệp không đưa người lao động đi.
Một nguyên nhân nữa là có trường hợp gặp khó khăn về kinh tế hoặc có hiện tượng chây ỳ, không trả nợ mặc dù gia đình có tiền, có đủ điều kiện để trả nợ.
Theo bà Vũ Thị Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, một trong 4 đơn vị thực hiện ủy thác cho vay vốn ưu đãi NHCSXH: Hiện nay nợ quá hạn cho vay XKLĐ là băn khoăn, trăn trở lớn nhất của cấp hội ủy thác.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT về công tác kiểm tra, kiểm soát, tăng cường thu hồi nợ quá hạn, Hội Phụ nữ tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp hội cơ sở, NHCSXH thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra công tác cho vay và hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là cho vay chương trình XKLĐ.
Qua kiểm tra cho thấy đã xuất hiện nhiều đối tượng vay vốn chương trình XKLĐ có hiện tượng chây ỳ, cấu kết, gọi điện thông báo cho nhau để không trả nợ. Hoặc có trường hợp viện lý do Công ty đưa đi XKLĐ chưa thanh lý hợp đồng nên chưa trả.
Thêm chế tài xử lý
Chương trình cho vay XKLĐ là chương trình cho vay tín chấp, tức là người vay không phải thế chấp tài sản. Việc xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo quy chế xử lý nợ trong hệ thống NHCSXH.
Khi có nợ quá hạn, ngân hàng nơi cho vay phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thu hồi nợ chủ yếu bằng biện pháp động viên, tuyên truyền. Trong trường hợp người vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ thì chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật để xử lý.
Với những trường hợp nợ quá hạn vay XKLĐ tại tỉnh, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân trả nợ và kiểm tra thực tế điều kiện kinh tế để có biện pháp xử lý.
Trong công tác tuyên truyền, tập trung vào việc giải thích để người vay hiểu được chế độ, chính sách, quyền lợi và trách nhiệm phải trả nợ cho ngân hàng khi vay vốn ưu đãi của Nhà nước.
Đồng thời để hỗ trợ cho đối tượng về nước trước thời hạn mà chưa thanh lý được hợp đồng, NHCSXH phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức làm việc với công ty XKLĐ để đôn đốc làm thủ tục thanh lý hợp đồng với người lao động phải về nước trước hạn, làm cơ sở cho các hộ vay trả nợ Ngân hàng.
Đến nay, NHCSXH đã gửi văn bản tới cơ quan chủ quản của 34 Công ty XKLĐ để đôn đốc đề nghị thanh lý hợp đồng lao động. Riêng 1 công ty đóng trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (viết tắt là NIBELC), có nợ quá hạn cao nhất là 659 triệu đồng (23 hộ vay), NHCSXH đã làm việc trực tiếp và có biên bản làm việc về vấn đề này, tuy nhiên chuyển biến còn rất chậm.
Cùng với đó, NHCSXH đã có công văn kèm danh sách, thông tin về các công ty có lao động về nước trước hạn hoặc chưa đưa lao động đi XKLĐ gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để có cơ sở làm việc, đôn đốc làm thủ tục thanh lý hợp đồng với người lao động phải về nước trước hạn.
Tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý do như chưa liên lạc được hoặc chưa hẹn được nên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa tổ chức làm việc với các công ty cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo bà Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Ninh Bình, để xử lý thu hồi nợ quá hạn vay XKLĐ có hiệu quả, bảo toàn vốn cho Nhà nước, trong thời gian tới NHCSXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền các địa phương tích cực vào cuộc, triển khai thu triệt để bằng các biện pháp khác nhau.
Trong đó tập trung thực hiện giải pháp phối hợp với Cục quản lý Lao động ở nước ngoài mời các công ty XKLĐ về làm việc và có cam kết thực hiện thanh lý hợp đồng cho người đi lao động để lấy cơ sở thu hồi nợ quá hạn.
Đối với các cấp hội nhận ủy thác, đại diện lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh khẳng định: Hội phụ nữ chỉ đạo các cấp hội kiên quyết xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ chiếm dụng có khả năng trả nhưng cố tình chây ỳ, tạo tính nghiêm minh, giáo dục và răn đe các đối tượng khác, giúp bảo tồn và tăng trưởng nguồn vốn Nhà nước.
Thiết nghĩ, ngoài các giải pháp của tỉnh, Nhà nước cũng cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cấp phép và quản lý các công ty XKLĐ. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài không thực hiện đúng hợp đồng cam kết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và giảm thiểu rủi ro tín dụng chính sách, hạn chế nợ quá hạn đối với chương trình tín dụng cho vay XKLĐ.
Hồng Giang