Khó kiểm soát đàn chó nuôi trong dân: Còn nhiều người phải tiêm phòng
Chủ Nhật, 27/12/2020, 01:58
Zalo
Hiện nay, tuy không phải là mùa hè - thời điểm nắng nóng dẫn đến chó, mèo hay mắc bệnh dại, nhưng số người đến các cơ sở y tế tiêm phòng bệnh dại vẫn không giảm. Nguyên nhân là do, hầu hết đàn chó được nuôi trong dân không được kiểm soát, không có cơ quan quản lý chặt chẽ, dẫn đến vẫn xảy ra nhiều vụ chó cắn, gây sợ hãi cho người dân trong các khu dân cư.
Khó kiểm soát đàn chó nuôi trong dân: Còn nhiều người phải tiêm phòng
Những ngày thời tiết rét lạnh, nhưng chị Trần Thị Vân, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) vẫn phải đưa con trai hơn 5 tuổi đi tiêm vắc xin phòng dại. Nguyên nhân là do, con trai chị đạp xe ra nhà văn hóa phố chơi, rồi bị một trong số con chó của nhà dân quanh đó đuổi theo và cắn vào chân. Hỏi con thì cháu sợ hãi không nhớ, hỏi xung quanh cũng không ai biết chó nhà ai, đã thực hiện tiêm phòng hay chưa. Để yên tâm về sức khỏe và tính mạng cho con, chị Vân cho con đi tiêm phòng ngay…
Hiện nay, không khó để bắt gặp tại nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Ninh Bình, chó được nuôi thả rông đi lại trước cổng, trước ngõ, sẵn sàng đuổi theo người đi đường khi đi ngang qua. Tại nhiều khu phố, có gia đình nuôi từ 1 đến vài con và thường không được quản lý, dẫn đến có khi có cả đàn chó của những nhà cùng phố đi lại, đuổi cắn nhau rồi phóng uế bừa bãi ra góc đường, gốc cây, bồn hoa...
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh có 2.014 người phải tiêm vắc xin dại. Trong đó có 237 người phải tiêm huyết thanh (là các trường hợp bị chó cắn ở các vị trí nguy hiểm phải tiêm huyết thanh trước), sau đó mới thực hiện tiêm phòng vắc xin. Như vậy cho thấy, số người bị chó cắn phải tiêm phòng dại khá nhiều. Rất may không xảy ra trường hợp nào bị tử vong.
Thống kê 5 năm trở lại đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, số lượng người bị chó cắn tăng dần theo các năm. Cụ thể là, năm 2015 là trên 1,5 nghìn người; năm 2016 gần 2 nghìn người; năm 2017 có gần 2,3 nghìn người; năm 2018, và 2019 tăng lên đáng kể với trên 2,5 nghìn người phải đi tiêm dự phòng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều thời điểm phải dừng hoặc hạn chế các hoạt động đi lại, lao động, nhưng vẫn có trên 2 nghìn người phải thực hiện tiêm phòng. Nguyên nhân được cho là do tình trạng nuôi chó thả rông, tự do hiện nay diễn ra rất phổ biến ở tất cả các thôn xóm, khu phố.
Điều đáng ghi nhận là số ca tử vong do chó cắn giảm dần qua các năm. Tính từ năm 2015 đến 2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp tử vong, trong đó 3 trường hợp ở huyện Nho Quan và 1 trường hợp ở thành phố Ninh Bình. 2 năm gần đây (2019 và 2020), trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào tử vong. Sở dĩ tỷ lệ tử vong do bệnh dại giảm dần là do nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên. Hầu hết người dân đều thực hiện tiêm dự phòng sau khi bị chó cắn. Đồng thời tích cực tìm hiểu, tham gia nghe tư vấn và thực hiện tiêm phòng vật nuôi theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Theo bác sĩ Đinh Thị Vũ Hương, Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương, cơ chế lan truyền từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm qua vết cắn hoặc qua đường tiếp xúc như chăm sóc, chế biến thực phẩm từ súc vật bị dại… 100% số người hay động vật bị bệnh dại đều dẫn đến cái chết với những biểu hiện triệu chứng thảm khốc ở các thể co thắt, liệt, cuồng...
Tình trạng chó thả rông còn xảy ra tại nhiều khu dân cư.
Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao tới 99,9%, do vậy, khi bị chó, mèo cắn, cần tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt. Theo bác sĩ Hương, người bị chó cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh dại. Không phải 100% người bị chó cắn đều bị dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… Nhưng tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất.
Người dân có thể yên tâm tiêm vắc xin mà không phải lo lắng về các phản ứng phụ của thuốc. Thực tế hiện nay vẫn còn một số người cho rằng, vắc xin dại độc hại cho sức khỏe. Nhưng đó là suy nghĩ không đúng, bởi vắc xin dại cũng là để phòng bệnh như các loại vắc xin khác, tính an toàn được tổ chức Y tế thế giới công nhận, ở nhiều quốc gia người dân chủ động tiêm phòng dại như các loại vắc xin khác (tiêm khi chưa bị phơi nhiễm).
Cũng theo bác sĩ Đinh Thị Vũ Hương, khi bị chó cắn (dù là chó lành hay chó dại), cũng cần xử trí theo các bước như sau: Vệ sinh vết thương, băng bó vết thương và tiêm phòng. Cụ thể là, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Sau đó dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương cho cầm máu và tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tiếp đó, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.
Trước thực tế hàng năm vẫn còn nhiều người bị chó cắn và phải tiêm dự phòng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát và phòng chống bệnh dại. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại.
Đồng thời cung ứng đầy đủ vắc xin cho người dân có nhu cầu; hỗ trợ miễn, giảm kinh phí tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người già, trẻ em. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của những chủ nuôi chó bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Chó nuôi phải được xích, nhốt, không cho thả rông, quản lý và rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị...