Năm 2010, xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2013, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã tham mưu với Đảng ủy ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Kết quả, cuối năm 2013, xã đã hoàn thành 5/19 tiêu chí và tính đến đầu năm nay có thêm 2 tiêu chí được hoàn thành.
Hiện nay, hệ thống đường liên xã, trục xã đã được bê tông hóa đạt chuẩn. Đường thôn, ngõ xóm đáp ứng được tiêu chí đạt 89,5%. Hệ thống thủy lợi đã được đầu tư đào kênh, xây lắp cống điều tiết theo quy hoạch phục vụ nuôi trồng thủy sản nhưng đều là bờ kênh đất, thường bị sạt lở.
Giai đoạn 2010 - 2015, Kim Trung đã huy động được trên 95 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó người dân đã đóng góp gần 32 tỷ đồng. Thế nhưng, các tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ sở vật chất hiện vẫn là tiêu chí khó khăn nhất của xã.
Đồng chí Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Xã Kim Trung đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để xây mới, sửa chữa trường THCS và Trạm y tế xã. Trường Trung học cơ sở đã được xây dựng từ khi thành lập xã, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù đã trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, song không thể đáp ứng được so với các tiêu chí đạt chuẩn.
Trạm y tế xã nay chỉ còn sử dụng được 4 phòng kiên cố được xây dựng từ năm 2005, toàn bộ các phòng khác đã xuống cấp, thường xảy ra tình trạng thấm dột vào mùa mưa.
Để minh chứng cho điều vừa nói, đồng chí Thu dẫn chúng tôi đến thăm 2 công trình nêu trên. Tại trường THCS xã Kim Trung, khu đường vào, sân chơi và nhà để xe đã được bê tông hóa.
Tuy nhiên, nhà trường thiếu toàn bộ hệ thống phòng chức năng. Hiện nay, toàn trường có 343 học sinh chia thành 9 lớp, nhưng chỉ có 8 phòng học "theo đúng nghĩa".
Để giải quyết vấn đề thiếu lớp học, thầy cô nhà trường đã phải ngăn đôi phòng họp hội đồng để bổ sung thêm lớp học. Còn nơi có biển ghi là phòng Hiệu trưởng thì được tận dụng cho cả bộ phận kế toán và một số bộ môn. Trạm Y tế xã cũng chung tình trạng trên với trường THCS.
Theo chị Bùi Thị Thu Huyền, Trạm trường Trạm Y tế quân dân y: Trong tổng số 13 phòng, hiện chỉ sử dụng được 4 phòng.
Các phòng còn lại đều đã xuống cấp, mái ngói bị xô lệch, tường vôi bị tróc để lộ cả phần gạch. Và cứ đến mùa mưa bão, nước ngấm từ trần nhà đổ xuống chẳng khác ngoài trời là bao. Để đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, các y, bác sĩ trong trạm đành cam chịu cảnh chật chội, chỉ sử dụng 4 phòng kiên cố.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Kim Trung, xã rất muốn đầu tư xây mới cả trường THCS và Trạm y tế, song nguồn lực địa phương không cho phép. Mặc dù phong trào xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng, song điều kiện kinh tế, thu nhập của các hộ trong xã mới chỉ thực sự được ổn định vài năm trở lại đây.
Thời kỳ mới thành lập năm 1993, kinh tế xã Kim Trung chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trồng lúa và cói. Tuy nhiên, do điều kiện đất đai không hợp với cây lúa, cùng với đó, thiên tai luôn diễn ra bất thường dẫn đến giá trị sản xuất nông nghiệp thấp nên dần dần người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã.
Nhưng, thủy sản vẫn chưa đem lại cho người dân xã Kim Trung nguồn thu nhập ổn định và vững chắc do những điều kiện khách quan như thiên tai, bão lũ thường xuyên diễn ra... Hơn thế, dân cư trong xã chủ yếu là dân nghèo từ khắp các nơi đến khai hoang, không có tiềm lực về kinh tế nên việc làm giàu còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với mặt bằng chung các xã trong tỉnh, số tiêu chí mà xã Kim Trung đã hoàn thành được là khá thấp dù đã sau gần 6 năm triển khai. Tuy nhiên, nhìn nhận lại vấn đề chúng ta hiểu rõ Chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là việc "ngày một ngày hai" có thể hoàn thành, nhất là đối với những xã khó khăn, xuất phát điểm thấp như xã Kim Trung. Bởi vậy, cấp ủy và chính quyền xã luôn giữ vững quan điểm: Thực hiện vững chắc từng tiêu chí, không vội vàng. Xây dựng nông thôn mới phải dựa vào sức dân, để người dân hưởng lợi.
Thái Học