Hiện nay, xã Trường Yên có 221 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Phần lớn, những người mắc HIV vẫn đang trong độ tuổi lao động, không ít gia đình có cả vợ chồng đều mắc HIV/AIDS. Sở dĩ Trường Yên có số người nhiễm HIV cao là do trước đây, vào thời điểm nông nhàn, nhiều lao động trẻ đi làm ăn xa ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sau một thời gian lao động xa nhà, nhiều lao động sa đà vào nghiện ngập ma túy. Và hình thức tiêm chích ma túy chính là con đường làm lây truyền HIV/AIDS cho những người nghiện. Những người này khi trở về địa phương, do thiếu kiến thức về cách phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS, lại tự ti, mặc cảm mà che dấu bệnh đã vô tình làm lây truyền HIV/AIDS sang chính người thân của mình.
Điều đáng chú ý là mỗi năm, xã Trường Yên phát hiện mới từ 1-2 ca nhiễm HIV, độ tuổi những người nhiễm HIV mới còn khá trẻ, chỉ trong độ tuổi từ 20-35 và đa số là do lây nhiễm qua tiêm chích ma túy. Thực tế này là minh chứng rõ nhất cho thực trạng khó khăn trong quản lý các bệnh nhân HIV của xã Trường Yên.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên là người rất trăn trở với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Nhiều năm công tác trong lĩnh vực này đã giúp bà hiểu tường tận nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý bệnh nhân có HIV. Bà Nguyễn Thị Yến cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" và CLB "Hoa Ngọc Lan" là hai địa chỉ quen thuộc của những người có HIV trên địa bàn xã Trường Yên.
Hàng trăm người có HIV đã tham gia hoạt động trong câu lạc bộ này. Với việc tham gia vào Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng", các thành viên được cung cấp kiến thức, được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ mọi buồn vui đồng thời giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình.
Từ đó, làm thay đổi thái độ của họ đối với cuộc sống. Họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Họ cũng tích cực trong việc tiếp cận với các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HIV để tuyên truyền, vận động, cung cấp kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, hướng họ đến những hành vi an toàn nhằm phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng xã hội.
Từ đó, động viên những người nghiện ma túy tích cực cai nghiện tại gia đình và trung tâm cai nghiện bắt buộc để đoạn tuyệt với ma túy… Hiệu quả là vậy, song trong thời gian gần đây, tình hình hoạt động của các CLB không còn sôi nổi nữa.
Thậm chí, nếu như trước đây các CLB sinh hoạt 1 tháng/lần thì đến nay phải chờ tới 1 quý mới sinh hoạt một lần. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS đã bị cắt.
Hiện tại, CLB sinh hoạt dựa vào nguồn kinh phí tuyên truyền ít ỏi (trong đó có tuyên truyền về HIV/AIDS) của xã nên không thể đảm bảo các hoạt động như trước đây. Cũng bởi vì bị cắt nguồn kinh phí tài trợ nên hiện nay số đối tượng tham gia điều trị ARV chỉ có 89 người, trong đó chỉ có 79 người có bảo hiểm y tế.
"Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho những người có HIV, hy vọng rằng tỷ lệ người tham gia điều trị thuốc ARV sẽ được nâng cao. Có như vậy, mới đảm bảo sức khỏe cho những người có HIV tham gia lao động sản xuất, sinh hoạt bình thường"- bà Nguyễn Thị Yến chia sẻ.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa ảnh hưởng tới việc quản lý các đối tượng nhiễm HIV, đó là nhiều đối tượng còn sức khỏe thường đi làm ăn xa nhà. Mặc dù thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động có HIV, giúp họ có thêm công cụ sản xuất để ổn định cuộc sống.
Nhưng đến nay, vẫn chưa có lao động có HIV nào tham gia học nghề. Nguyên nhân là do hầu hết các đối tượng đều là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ cần có nguồn thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống.
Trong khi đó, nếu tham gia học nghề họ cũng phải mất ít nhất là 3 tháng học, không có thu nhập. Chưa kể khi lành nghề thì mức thu nhập từ những nghề cho lao động nông nhàn cũng khá thấp, không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho gia đình người bệnh. Bên cạnh đó, có những người vì còn mặc cảm, tự ti nên còn dấu bệnh, không công khai sinh hoạt ở các CLB…
Vì vậy khi có chương trình cần tư vấn thì rất khó tiếp cận do không liên lạc được với đối tượng. Thường họ chỉ đến khi cần thông tin và để được tư vấn… thực tế này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là rất lớn, bởi việc quản lý bệnh nhân HIV/AIDS còn liên quan chặt chẽ tới công tác chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm gây khó khăn cho mạng lưới quản lý.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên khẳng định, hướng tới mục tiêu không còn đối tượng HIV phát sinh đã trở thành bài toán khó đối với địa phương, nhưng vẫn phải đặt quyết tâm để làm.
Trước mắt, xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân những kiến thức cơ bản về căn bệnh HIV/AIDS. Chỉ khi bệnh nhân có HIV và mọi tầng lớp nhân hiểu đúng, hiểu đủ về căn bệnh thế kỷ này thì việc hạn chế lây nhiễm sẽ đạt được kết quả tốt hơn.
Mặt khác, xã cũng lấy nhóm chuyên trách HIV/AIDS là lực lượng nòng cốt, trong đó cán bộ chuyên trách có nhiệm vụ giám sát, quản lý, báo cáo và chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Việc duy trì các hoạt động như: phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch miễn phí tới người có HIV/AIDS, các đối tượng nghiện chích ma túy… sẽ tiếp tục giao cho lực lượng đoàn viên thanh niên trong xã triển khai thực hiện.
Nguyễn Hùng