Theo phân cấp quản lý, tuyến xã có Ban chỉ đạo ATVSTP thực hiện chức năng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tham mưu xử phạt… các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, chợ dân sinh, hoạt động buôn bán trong phạm vi thuộc quyền quản lý. Theo đó, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về đảm bảo ATTP trên địa bàn; bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP. Đối với tuyến xã, đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo ATTP của địa phương; chủ động tổ chức lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn; chỉ đạo tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định bảo đảm ATTP; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không bảo đảm ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP đối với các hoạt động về ATTP; đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn, nhất là trong khâu sản xuất, chế biến…
Theo các quy định như trên, quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý ATTP ở cấp cơ sở được giao nhiều hơn. Thực hiện các quy định này, hoạt động kiểm tra, kiểm soát VSATTP đã được đẩy mạnh, nhất là trong những thời điểm Tháng ATTP, dịp lễ hội, Tết cổ truyền, Tết Trung thu… Tuy nhiên so với yêu cầu thực tiễn thì chưa đạt. Đơn cử như trong 6 tháng đầu năm 2017, tuyến xã, phường, thị trấn đã thành lập được hàng trăm đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra được trên 1.700 các loại hình cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; tuy nhiên việc xử lý các cơ sở vi phạm rất hạn chế, trong đó phát hiện được 178 cơ sở vi phạm nhưng không xử lý, chỉ nhắc nhở, còn lại xử phạt được 1 cơ sở với số tiền 500 nghìn đồng, có rất ít cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, đặc biệt không có cơ sở nào bị xử phạt đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh. Được biết, hoạt động quản lý ATTP tuyến xã mới chỉ thực hiện được khâu tuyên truyền, còn các phần việc khác đều gặp nhiều khó khăn từ khâu bố trí nhân lực, triển khai kiểm tra, kiểm soát, xác định lỗi vi phạm, xử lý vi phạm… Nguyên nhân chủ yếu vẫn là cấp xã thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác thanh, kiểm tra và thiếu kinh phí trong quá trình hoạt động.
Một vị đại diện lãnh đạo thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) cho biết, Ban chỉ đạo ATVSTP thị trấn được thành lập và thường xuyên kiện toàn để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Là nơi có chợ dân sinh, có làng nghề bún bánh và nhiều cơ sở chế biến thực phẩm cũng như phát triển mạnh về kinh tế trang trại, chăn nuôi nên yêu cầu đặt ra trong quản lý ATVSTP là rất cao. Khi Ban chỉ đạo ATVSTP của địa phương ra quân kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh buôn bán, hộ gia đình chăn nuôi, làm nghề thường gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó bất cập nhất là việc cán bộ xã thiếu kỹ năng nghiệp vụ kiểm soát về ATTP, thiếu kinh phí và thiết bị kiểm tra, hầu hết chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan, do vậy việc xác định và xử lý vi phạm không khả thi mà chỉ có thể nhắc nhở bà con thực hiện theo đúng quy định. Trong các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng chủ yếu kiểm tra giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe của các hộ, còn để kết luận thực phẩm có bảo đảm VSATTP hay không thì đoàn liên ngành thị trấn chưa đủ căn cứ.
Đối với khu vực thành thị, việc quản lý về ATTP còn khó khăn, phức tạp hơn bởi số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, phân phối thực phẩm trên mỗi địa bàn phường thường không cố định, luôn có sự di biến động nên rất khó kiểm tra. Đặc biệt các thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP của phường đều là kiêm nhiệm nên thường bận nhiệm vụ chuyên môn, cùng với đó thiếu am hiểu các quy định pháp luật về ATVSTP nên dễ vấp phải phản ứng của người dân khi lập biên bản xử phạt vi phạm. Đơn cử như phường Vân Giang là nơi tập trung đông dân cư, tiểu thương, người lao động và học sinh các nhà trường. Trên địa bàn có chợ đầu mối lớn cung cấp thực phẩm cho toàn tỉnh, có gần 200 cơ sở kinh doanh giò chả, bún mọc, hàng hóa, thực phẩm, đồ ăn uống vặt thuộc quản lý của địa phương cùng nhiều điểm bán quà vặt tại cổng các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS…. Hạn chế chung của các quán hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh này hầu hết tạm bợ, thiếu nước sạch, không có công trình vệ sinh; người bán hàng, người phục vụ không được tập huấn về ATVSTP. Hàng năm, vào dịp cao điểm như Tháng hành động ATVSTP, dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu…, Ban chỉ đạo ATVSTP phường cũng đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, tuy nhiên, việc kiểm tra gặp khó khăn do không tập hợp được đầy đủ thành phần, thời gian hạn chế nên khó kiểm tra hết các cơ sở kinh doanh. Hơn nữa đoàn kiểm tra cũng chỉ làm việc trong giờ hành chính, còn ngoài giờ thì không tổ chức kiểm tra được.
Theo bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, trước những khó khăn của chính quyền địa phương cấp cơ sở trong công tác quản lý ATVSTP, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, cử cán bộ có chuyên môn tham gia quản lý ATTP. Tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ cơ sở làm công tác ATTP ở địa phương. Đồng thời bổ sung trang thiết bị kiểm nghiệm nhanh đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng thực phẩm. Năm 2017, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thực hiện cấp phát 14 loại test, hóa chất các loại; bao gồm hàn the, foocmol, phẩm mầu, methanol, thuốc trừ sâu, Salycilic, Hyproclorit, dấm ăn, Nitrit, Nitrat, Ure, Iot, KI, với gần 1.500 mẫu test và gần 3 nghìn gam hóa chất cấp phát cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để thực hiện xử lý nhanh trong các hoạt động thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về ATTP. Điều quan trọng hơn là cần cấp kinh phí để các địa phương hoạt động, 6 tháng đầu năm 2017, chỉ có 2/8 huyện, thành phố là thành phố Ninh Bình và huyện Kim Sơn cấp kinh phí cho hoạt động đảm bảo ATTP tại địa phương. Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần tích cực làm giảm nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, góp phần để công tác ATVSTP sớm đi vào nền nếp, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và cộng đồng.
Hạnh Chi