Khó khăn trong cấp, đổi giấy chứng nhận QSDĐ sau DĐĐT
Xã Liên Sơn (Gia Viễn) có gần 400 ha đất nông nghiệp cần thực hiện dồn điền đổi thửa. Hiện xã đang hoàn thành nốt những công việc cuối cùng, phấn đấu đến hết tháng 8-2016 hoàn thiện công tác này.
Đồng chí Bùi Xuân Lai, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, cơ bản diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho bà con triển khai sản xuất vụ mùa.
Nếu như trước đây ruộng của các hộ trong xã khá manh mún, nhỏ lẻ, nằm xen kẽ nhau, trung bình mỗi hộ có từ 5 mảnh ruộng nằm ở 5 chỗ cách xa nhau; thì nay, sau khi DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn từ 2-3 mảnh, việc sản xuất của bà con nông dân thuận lợi hơn nhiều.
Ngoài việc áp dụng triệt để cơ giới hóa vào sản xuất, người nông dân còn tích cực áp dụng KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thời gian, công sức cho sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên ha canh tác.
Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của người dân hiện nay là sớm được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Đối với xã Gia Hưng (Gia Viễn), công tác DĐĐT được thực hiện xong từ năm 2015 ở cả 2 HTX là Đô Lương và Hoa Tiên với gần 400 ha đất nông nghiệp. Từ bình quân 8-9 mảnh ruộng/hộ, nay thực hiện xong DĐĐT chỉ còn lại 2-3 mảnh, bình quân 1,9 mảnh/hộ, người nông dân rất phấn khởi với kiểu làm nông nghiệp mới, sẵn sàng đầu tư, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và giá trị thu nhập.
Tuy nhiên, theo đồng chí Đinh Khắc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã, khó khăn lớn nhất ở Gia Hưng hiện nay là việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người sản xuất.
Hiện người dân vẫn thực hiện các nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước theo diện tích đã được DĐĐT, nhưng hầu hết đều không yên tâm và nêu ý kiến cần một sổ đỏ chính thức công nhận diện tích đất sản xuất mà họ là người đang sử dụng.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Thực tế cho thấy, công tác DĐĐT là công việc khó khăn, phức tạp, động chạm đến quyền lợi trực tiếp của nhân dân, do đó trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải triển khai từng bước vững chắc, hiệu quả.
Đối với huyện Gia Viễn, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân nên việc triển khai thực hiện tương đối thuận lợi. Người dân đã nhận thức rõ lợi ích thiết thực từ việc dồn đổi ruộng, đồng thuận, mạnh dạn và tích cực ủng hộ cho chủ trương này. Đến nay, toàn huyện có 8/20 xã hoàn thành việc DĐĐT.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là người dân không yên tâm khi diện tích đất nông nghiệp của mình chưa được cấp sổ đỏ. Thực trạng trên dẫn đến tâm lý e dè, thiếu mạnh dạn trong đầu tư vào sản xuất, canh tác, dẫn đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp không cao.
Do đó, cần sớm có giải pháp để bố trí nguồn kinh phí, đẩy nhanh tiến độ chỉnh lý bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo phát huy hiệu quả chủ trương DĐĐT, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho mọi miền quê trong tỉnh.
Được biết, từ năm 2013, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác DĐĐT được tiến hành lần thứ 2 gắn với chỉnh trang đồng ruộng được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên đến nay trong số 82 xã đã hoàn thành DĐĐT, vẫn chưa có xã nào thực hiện được việc cấp, đổi giấy chứng nhận QSDĐ cho người sử dụng.
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân cơ bản của việc cấp, đổi Giấy chứng nhận QSDĐ là do thiếu kinh phí. Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, yêu cầu kỹ thuật về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất cao, được cấp theo thửa và trên đó phải có sơ đồ hình thể, kích thước, tọa độ các đỉnh thửa đất; phải tiến hành đo đạc thực tế, cập nhật vào hệ thống hồ sơ địa chính.
Như vậy, trung bình mỗi xã sẽ cần cả tỷ đồng (tùy vào số diện tích sản xuất của các xã) để có thể hoàn thành việc cấp, đổi giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp. Đây là vấn đề khó khăn và nan giải, bởi hầu hết các xã không đủ kinh phí, nhân lực để thực hiện, trong khi không thể huy động người dân đóng góp thêm khoản phí mà trước đó họ đã bỏ ra trong quá trình thực hiện DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng.
Đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi Giấy chứng nhận QSDĐ
Đến nay, toàn tỉnh có 82 xã hoàn thành công tác DĐĐT, với tổng diện tích khoảng 30 nghìn ha. Theo đó, nhân dân đã tham gia hiến đất đạt 944 ha, đóng góp trên 200 tỷ đồng. Bình quân số thửa/hộ trước DĐĐT là 4,7 thửa/hộ, sau khi dồn đổi giảm còn 2 thửa/hộ. Như vậy, với việc thực hiện DĐĐT đã có sự thay đổi rất lớn về vị trí, diện tích, số thửa, mục đích sử dụng đất của nông dân trong toàn tỉnh.
Hiện 100% diện tích đất nông nghiệp sau DĐĐT chưa được cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù các xã đã hoàn thiện số liệu thô, làm phiếu thửa và biên bản bàn giao đất thực địa cho người dân. Sự chậm trễ của việc cấp lại Giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp cho hộ gia đình đang gây thiệt hại cho cả Nhà nước và nhân dân.
Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong quản lý, giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ dân; còn người sử dụng đất thì thiệt thòi do những trở ngại trong quá trình sản xuất và thực hiện các giao dịch dân sự như trao đổi, thế chấp vay vốn...
Bên cạnh đó, khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tâm lý người nông dân sẽ không yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Trường Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Từ năm 1998, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân với hơn 98% diện tích đất nông nghiệp và hơn 92% diện tích đất ở.
Những năm gần đây, việc cấp, đổi Giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân chủ yếu được thực hiện đối với đất ở khi thực hiện giao đất mới, đấu giá giá trị quyền sử dụng đất và khi chuyển nhượng, chia tách quyền sử dụng đất.
Thực hiện chủ trương DĐĐT lần thứ nhất (năm 2002) và lần thứ 2, từ năm 2013 đến nay, với việc thay đổi quá trình sử dụng và thời hạn sử dụng đất (trước kia là 20 năm và hiện nay lên 50 năm - theo Luật đất đai năm 2013) làm cho Giấy chứng nhận đã cấp và hệ thống hồ sơ địa chính đã lập trước đây không còn phù hợp, không đồng bộ với thực tế hiện trạng sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, phát sinh khiếu nại, tố cáo, do đó, việc cấp Giấy chứng nhận mới trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và phù hợp.
Trong những năm qua, bằng nguồn kinh phí của địa phương và Trung ương, tỉnh ta đã tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy dạng số cho 82/145 đơn vị xã, phường, thị trấn, chiếm 54% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các địa phương tiến hành cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định.
Đối với công tác DĐĐT, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản hướng dẫn và phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng.
Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch, Chỉ thị về thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính; đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh…
Cùng với đó, theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp đổi Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau DĐĐT cho toàn tỉnh, nhưng do điều kiện ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để đẩy nhanh và nâng cao tỷ lệ cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ nói chung và đất sản xuất nông nghiệp nói riêng sau DĐĐT, tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp như: Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, từng bước hiện đại hóa ngành quản lý đất đai.
UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, từ năm 2017, UBND các cấp dành tối thiểu 10% nguồn thu từ đất được phân bổ để phục vụ cho công tác quản lý đất đai ở cấp mình theo tinh thần Chỉ thị số 1474, ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Đồng thời, ngân sách các cấp chi cho sự nghiệp địa chính sẽ ưu tiên cho công tác đo đạc, cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ sản xuất nông nghiệp cho các xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Cùng với đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ sau khi đã hoàn thành việc DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng; đồng thời hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng phương án xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, các trường hợp cấp nhầm, cấp sai để đưa vào cấp, đổi Giấy chứng nhận theo quy định.
Cùng với các giải pháp trên, hiện nay, Sở tập trung đôn đốc các đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ đẩy nhanh tiến độ cấp đổi; cử thêm cán bộ hỗ trợ các xã hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp người sử dụng đất đã chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho… nhưng không làm thủ tục chuyển đổi thì yêu cầu người đang sử dụng đất viết cam kết việc chuyển đổi là đúng sự thật và cơ quan chuyên môn phải thẩm tra xác minh lại.
Thêm nữa cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình khi cấp đổi, tích cực hợp tác thực hiện các thủ tục liên quan.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh