Sau một trận mưa, khuôn viên của Trạm y tế Văn Hải như chìm trong nước. Khi chúng tôi đến, Trạm trưởng Tô Thị Minh Tâm "quần xắn móng lợn" thăm khám cho một sản phụ đang chuyển dạ. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, Trạm trưởng-người có trên 20 năm gắn bó với Trạm y tế Văn Hải kết luận thai phụ khỏe, hoàn toàn có thể sinh thường tại trạm. Nghe bác sỹ kết luận, thai phụ tên là Xuân phấn khởi lắm. Mẹ chồng của Xuân chia sẻ, đây là lần sinh thứ 2 của Xuân. Nhà tôi khó khăn nên cháu ít đi khám sàng lọc và siêu âm. Chúng tôi chỉ lo cháu phải chuyển viện tuyến trên vì nhà tôi cách Trung tâm Y tế huyện tới gần 20 km, ở nhà còn có cháu nhỏ nữa.
Trạm trưởng Tô Thị Minh Tâm cho biết, mỗi năm, Trạm đỡ đẻ cho gần 100 ca. Hiện trạm có 2 bác sỹ. Bởi vậy, việc khám và điều trị các bệnh thông thường, về mặt chuyên môn thì Trạm hoàn toàn có thể đảm đương. Tuy nhiên, khó khăn nhất của Trạm hiện nay đó là tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu các trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Dẫn tôi đi tham quan quanh Trạm y tế, chị Tô Thị Minh Tâm chia sẻ, từ khi con đường 481 được nâng cấp, thì Trạm y tế xã nằm "trũng" hơn hẳn so với mặt đường.
Do Trạm không có đường thoát nước, nên mỗi lần mưa to là Trạm ngập nước. Sau mỗi trận mưa to, cán bộ, nhân viên của Trạm phải tập trung tổng vệ sinh Trạm để kịp đón bệnh nhân đến khám và điều trị vào ngày hôm sau. Vườn thuốc nam hiện có hơn 100 loại cây thuốc, được các cán bộ, nhân viên của Trạm dày công sưu tầm, chăm sóc. Tuy nhiên, nhiều lần vườn cây bị chết bởi ngập úng, đây là điều thực sự chúng tôi nuối tiếc.
Chị Tô Thị Minh Tâm cho biết thêm: Trạm Y tế Văn Hải có hai dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu. Hiện nay, một dãy gồm 5 phòng, đó là phòng thuốc, phòng đông y và phòng lưu bệnh nhân đã phải đóng cửa vì không thể sử dụng được. Dãy nhà chính còn lại hiện cũng đang bị hư hỏng nặng. Một phòng lớn được tận dụng vừa là phòng họp, phòng trực, vừa là phòng điềutrị cho bệnh nhân. "Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa cả khu nhà chính cũng bị dột, ẩm ướt. Những ngày có bão, cán bộ của trạm phải di dời lên trụ sở UBND xã để trực nhờ".
Được biết, hàng năm, xã Văn Hải cũng hỗ trợ kinh phí để trạm y tế nâng cấp những phòng chính. Tuy nhiên, do các phòng đều xuống cấp nghiêm trọng nên cứ "động đâu là hỏng đó", việc sửa chữa không có hiệu quả. Ông Trần Như Chương, Chủ tịch UBND xã Văn Hải cho biết, hiện nay, xã đã quy hoạch được quỹ đất với diện tích 1.500m2 dành để xây mới Trạm y tế. Tuy nhiên, để xây dựng hoàn chỉnh Trạm y tế đạt chuẩn thì sẽ cần khoảng 8 tỷ đồng. Đối với một vùng quê còn nhiều khó khăn như Văn Hải thì đây là thách thức quá lớn. Hiện, chúng tôi vẫn chưa có nguồn nào để có thể đầu tư xây dựng trạm.
Xã Văn Hải cách Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn hơn chục km. Bởi thế, hầu hết người dân ở đây đều muốn được khám, chữa bệnh tại Trạm y tế xã, nhất là các sản phụ đều muốn được đỡ đẻ tại Trạm. Song, bác sỹ Mai Thị Tuyết cho biết thêm, có những ca bệnh không phải nặng, hoàn toàn có thể điều trị tại trạm, nhưng do thiếu các trang thiết bị chuyên môn, nên chúng tôi đành phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Thực tế, nếu được trang bị một số trang thiết bị như: bộ khám chuyên khoa mắt, bộ nha khoa, máy siêu âm… thì chúng tôi sẽ chẩn đoán và điều trị được những bệnh thông thường, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và đặc biệt, người bệnh cũng đỡ vất vả, tốn kém. Chưa kể, do thiếu trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh nên đội ngũ y, bác sỹ của Trạm ít có cơ hội được ứng dụng nhiều hơn những kiến thức đã học để trau dồi nghề nghiệp.
Theo bác sỹ Mai Thị Tuyết, trung bình mỗi ngày, Trạm y tế xã đón hàng chục lượt người dân đến khám bệnh theo thẻ BHYT. Ngoài ra, các cán bộ trạm y tế phải thực hiện các hoạt động chuyên môn khác như: tiêm chủng mở rộng, thực hiện các chương trình y tế quốc gia như uống Vitamin A, phòng, chống lao, sốt rét…, quản lý mô hình thu gom rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm, chiến dịch truyền thông lồng ghép dân số-KHHGĐ, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em…
Bên cạnh đó, cán bộ Trạm còn đều đặn viết bài truyền thông sức khỏe phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã tuyên truyền cho nhân dân. Khối lượng công việc nhiều là vậy, song cả Trạm mới có 5 cán bộ. Mỗi người phải đảm nhiệm nhiều đầu việc, có những việc không thuộc chuyên môn. Điều đó dẫn tới chất lượng công việc đôi khi không đạt hiệu quả như mong muốn.
Xã Văn Hải có hơn 8.000 dân, ý thức của nhân dân về chăm sức khỏe đã được nâng lên, nhu cầu khám, chữa bệnh đòi hỏi ngày càng cao. Vì vậy, thời gian tới mong rằng các cấp, các ngành có liên quan quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực để Trạm y tế xã Văn Hải đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng