Từ 2 máy tính đơn lẻ đầu tiên, KBNN tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ và nhanh chóng thiết lập được mạng cục bộ toàn ngành rồi kết nối mạng Internet. Đến nay, tất cả các kho bạc huyện, thị xã đều đã có mạng diện rộng WAN. Văn phòng KBNN tỉnh là trung tâm hệ thống thông tin thống nhất trên địa bàn, với đường mạng Backbone cho phép liên kết tất cả các đơn vị KBNN, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Bộ Tài chính... bằng đường truyền tốc độ cao, phục vụ cho việc trao đổi dữ liệu và các ứng dụng quan trọng của hệ thống Thuế - Kho Bạc - Tài chính.
Nhờ đó, KBNN đã trở thành đơn vị cung cấp thông tin chính của toàn hệ thống tài chính. Cơ sở dữ liệu tài chính ngân sách tại Kho bạc được cập nhật tức thời, và khai thác sử dụng trên phạm vi toàn ngành, trở thành công cụ hữu hiệu cho công tác điều hành và ra quyết định của lãnh đạo các cấp. Đến nay, hầu hết các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của KBNN Ninh Bình đều đã được tin học hóa như chương trình kế toán kho bạc, chương trình thanh toán điện tử (TTĐT), chương trình quản lý phát hành và thanh toán trái phiếu, quản lý thanh toán vốn đầu tư... luôn hoạt động ổn định, đảm bảo tính cập nhật cao. Trong các ứng dụng của CNTT tại KBNN Ninh Bình, chương trình kế toán kho bạc và chương trình TTĐT đã thực sự trở thành công cụ quản lý giúp đơn vị điều hành quỹ ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả, rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thanh toán. Hệ thống TTĐT được đánh giá là bước đột phá trong công tác thanh toán và cải cách hành chính của KBNN tỉnh, cho phép KBNN đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ đa dạng của hoạt động kế toán ngân sách mà các phương thức thanh toán cũ chưa đáp ứng được. Nhờ đó, các yêu cầu thanh toán của khách hàng được thực hiện qua hệ thống kho bạc trên cả nước chỉ tính bằng đơn vị phút.
Việc thanh toán với các đơn vị ngân hàng sau đó có thể diễn ra ngay trong ngày, trong khi đó phương thức thanh toán cũ sẽ mất thời gian đến hàng tuần. Bên cạnh đó, công tác đối chiếu truyền tin được thực hiện ngay trong ngày, tăng tính an toàn, chính xác trong thanh toán. Công tác hạch toán, kế toán, đối chiếu, thống kê... được tự động hóa tối đa, giảm thiểu các thao tác thủ công, tiết kiệm thời gian, công sức cho khách hàng đến giao dịch.
Để phát triển ứng dụng hệ thống tin học như vậy, công tác tổ chức luôn luôn được KBNN tỉnh chú trọng. Từ chỗ chỉ có 1-2 cán bộ làm kiêm nhiệm, đến nay KBNN tỉnh đã thành lập Phòng Tin học riêng, đáp ứng được các yêu cầu từ triển khai đến nâng cấp các chương trình ứng dụng và quản trị mạng, đủ khả năng khắc phục kịp thời các sự cố về máy móc, chương trình.
Ngoài việc cử cán bộ đi học các lớp tin học do KBNN tổ chức, KBNN tỉnh còn rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ thông qua mở các lớp đào tạo về tin học. Đến nay, tất cả các cán bộ nghiệp vụ của hệ thống KBNN tỉnh đều sử dụng thành thạo các chương trình tin học ứng dụng trong nghiệp vụ quản lý ngân sách Nhà nước.
Năm 2009, thực hiện lộ trình cải cách quản lý tài chính công của Bộ Tài chính và KBNN, đơn vị đang tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Mục tiêu dự án TABMIS là nhằm hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách Nhà nước từ khâu lập kế hoạch, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách và tăng cường trách nhiệm giải trình ngân sách, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính.
Triển khai hoàn thiện chương trình TABMIS, không chỉ bảo đảm giúp ngành KBNN nắm vững quy trình chi ngân sách, các khoản phân bổ dự toán ngân sách được duyệt đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, mà còn giúp cho ngành kiểm soát phân bổ dự toán tập trung, quản lý, kiểm soát chi, tổ chức thanh toán, theo dõi tập trung việc thực hiện dự toán của từng cấp ngân sách, từng đơn vị.
Qua đó, về quản lý ngân quỹ, công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước sẽ được cải cách theo hướng thống nhất quy trình và tập trung đầu mối, gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, KBNN và các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.
Quốc Khang