Đồng chí Phạm Ngọc Hải, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của tin học trong quản lý tài chính, ngay từ khi tái lập tỉnh, lãnh đạo KBNN Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm đến công tác tin học.
Trong giai đoạn đầu với mục tiêu là: "Tạo ra môi trường tin học ban đầu trong ngành Kho bạc Nhà nước" để giúp các cán bộ Kho bạc từng bước hiểu biết, nâng cao kiến thức tin học, làm quen tiến tới làm chủ hệ thống công nghệ thông tin của ngành, bên cạnh việc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo tin học, tập huấn sử dụng các phần mềm ứng dụng trong ngành do KBNN tổ chức, KBNN Ninh Bình đã liên tục mở các lớp đào tạo tin học từ đơn giản đến nâng cao ngay tại đơn vị để phổ cập kiến thức tin học cho cán bộ, công chức của đơn vị.
Để cán bộ nhanh chóng tiếp cận với công nghệ thông tin, công tác đào tạo tin học được ngành quy chuẩn về nội dung, đối tượng; hình thức đào tạo gồm tập trung, ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện công việc của các học viên. Ban đầu giáo viên là các giảng viên chuyên nghiệp, sau đó công tác giảng dạy được chuyển giao cho các cán bộ của KBNN.
Chất lượng đào tạo luôn được đảm bảo, sau mỗi khóa học đều lấy ý kiến đóng góp của các học viên, đánh giá, rút kinh nghiệm. Nội dung chương trình đào tạo phù hợp, bám sát thực tế triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin.
Đến nay, tất cả các cán bộ nghiệp vụ của KBNN Ninh Bình đều có kỹ năng tin học, sử dụng các phần mềm ứng dụng của ngành một cách có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng công tác, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị.
Từ năm 2000, KBNN Ninh Bình đã thành lập phòng Tin học với chức năng tham mưu, giúp Giám đốc KBNN Ninh Bình tổ chức thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị.
Tại KBNN các huyện, thành phố đều có cán bộ chuyên trách được trang bị về kiến thức tin học và kỹ năng triển khai các ứng dụng có số lượng đủ mạnh đảm bảo xây dựng, phát triển và duy trì hệ thống thông tin giúp KBNN hoạt động ổn định, an toàn.
Đặc thù của công tác tin học là công nghệ luôn đổi mới với tốc độ chóng mặt, là đầu tầu kéo theo sự thay đổi của các lĩnh vực khác, do đó người làm tin học không được phép thỏa mãn với bản thân, phải luôn luôn cập nhật kiến thức, nắm bắt công nghệ mới.
Nhận thức rõ các yêu cầu, đòi hỏi của công việc, cán bộ phòng Tin học luôn chủ động tìm tòi, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ bản thân.
Trong quá trình tham gia các lớp đào tạo nâng cao do Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ KBNN tổ chức, cán bộ phòng Tin học luôn đạt được kết quả tốt.
Phòng cũng đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo KBNN tỉnh và các huyện, thành phố trong việc triển khai, áp dụng các phần mềm ứng dụng vào hoạt động của ngành, bồi dưỡng trình độ tin học cho các cán bộ nghiệp vụ.
Từ 2 máy tính đơn lẻ đầu tiên năm 1993 do KBNN Trung ương cấp, với các chương trình ứng dụng đơn lẻ KTKB (kế toán kho bạc), KBNN Ninh Bình đã được KBNN Trung ương cung cấp bổ sung thiết bị, bên cạnh đó đơn vị cũng đã trích quỹ phát triển ngành mua thêm các thiết bị tin học phục vụ công tác chuyên môn.
Đến nay, tất cả KBNN các huyện, thành phố và KBNN tỉnh đều có hệ thống mạng cục bộ, toàn tỉnh thiết lập hệ thống mạng diện rộng.
Từ năm 2008, Trung tâm hạ tầng truyền thông tài chính tỉnh được xây dựng tại phòng máy chủ KBNN, kết nối các cơ quan Kho bạc, Thuế, Tài chính, Hải quan. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của KBNN đều được tin học hóa. Các chương trình phần mềm luôn được nâng cấp, đổi mới cho tương thích và hiện đại hơn.
Đến năm 2012, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) được triển khai thành công tại ngành Tài chính Ninh Bình. TABMIS là cấu phần quan trọng nhất trong dự án Cải cách quản lý tài chính công của Bộ Tài chính với các quy trình quản lý ngân sách khép kín, tự động, thông tin quản lý tập trung, cung cấp báo cáo đầy đủ, toàn diện, kịp thời và minh bạch.
Cùng với TABMIS, các hệ thống thanh toán điện tử liên LKB, điện tử song phương và bù trừ điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh chóng, chính xác và an toàn; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí thanh toán...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng vào việc quản lý nội vụ hệ thống KBNN như quản lý tài chính nội bộ, quản lý nhân sự, quản lý văn phòng.
Có thể nói, các chương trình ứng dụng công nghệ tin học trong điều hành hệ thống KBNN đã trở thành công cụ quản lý và điều hành ngân sách một cách hữu hiệu, cung cấp số liệu nhanh, chính xác, kịp thời cho các ngành chức năng trong quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.
Bài, ảnh: Phúc Nguyên