PV: Xin đồng chí, cho biết những kết quả cũng như dấu mốc mà KBNN Ninh Bình đã đạt được sau 28 năm tái lập tỉnh?
Đồng chí Đinh Văn Hợp: Ngày 1/4/1990, hệ thống KBNN được thành lập trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế. Sau 2 năm, ngày 1/4/1992, KBNN Ninh Bình được thành lập cùng sự tái lập tỉnh Ninh Bình. 28 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của KBNN, Bộ Tài chính; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, KBNN Ninh Bình luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển của ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Nổi bật là thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm về quản lý quỹ NSNN trên cả hai phương diện là quản lý thu và chi NSNN.
Về thu NSNN, từ chỗ hoàn toàn thụ động, KBNN Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN; hạch toán phân chia nguồn thu cho các cấp thụ hưởng đúng tỷ lệ điều tiết quy định.
Đã triển khai dự án "Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan - KBNN", dự án tổ chức phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành tài chính với 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; áp dụng các hình thức thu nộp NSNN như ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt qua ngân hàng thương mại, nộp NSNN qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS).... qua đó tạo điều kiện cho người nộp thuế lựa chọn các hình thức nộp tiền, hạn chế lưu thông tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong công tác tổ chức thu NSNN.
Chủ động đối chiếu, thông báo số dư các tài khoản tạm thu chờ nộp ngân sách, tạm giữ chờ xử lý đến các đơn vị và các cơ quan có trách nhiệm quản lý để đôn đốc, xử lý, kịp thời tập trung nhanh các khoản thu vào NSNN… góp phần thực hiện vượt mức dự toán thu hàng năm của tỉnh.
Về chi NSNN, từ chỗ chỉ là đơn vị xuất quỹ NSNN, KBNN đã từng bước kiểm soát các khoản chi NSNN ở tất cả các cấp ngân sách (cả chi thường xuyên và chi đầu tư XDCB) theo quy định, đặc biệt là sau khi có Luật NSNN. Kịp thời báo cáo, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc để giải quyết kịp thời, phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua kiểm soát chi đã gúp các đơn vị sử dụng NSNN đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chi NSNN theo Luật NSNN.
Bên cạnh đó, KBNN Ninh Bình đã tăng cường, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dưới sự chỉ đạo Bộ Tài chính, KBNN, KBNN Ninh Bình đẩy mạnh công tác cải cách hành chính dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ đảm bảo đến năm 2020 hình thành Kho bạc điện tử, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đã triển khai, thực hiện và khai thác Hệ thống thông tin quản lý ngân sách (TABMIS); Dự án hiện đại hóa quy trình thu nộp NSNN (TCS); thanh toán điện tử liên kho bạc; thanh toán liên ngân hàng; thanh toán điện tử song phương; triển khai Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi NSNN theo phương châm "một cửa, một giao dịch viên".
Từ năm 2018, đã triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch với KBNN trên địa bàn (theo kế hoạch trong năm 2020 sẽ triển khai đến 100% các đơn vị sử dụng ngân sách có giao dịch với KBNN)… qua đó giảm bớt các khâu trung gian, giải quyết kịp thời các giao dịch với khách hàng, ngăn ngừa các hiện tượng gây phiền hà, sách nhiễu, góp phần làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch, hiệu quả hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Là cơ quan trực tiếp quản lý tiền, tài sản của Nhà nước nên yêu cầu đặt ra là Kho bạc phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo an ninh, an toàn tiền, tài sản trong thu, chi tiền mặt và trong thanh toán. Số lượng đơn vị, số tài khoản và giá trị tiền giao dịch qua Kho bạc ngày càng lớn, các đơn vị Kho bạc đã triển khai nhiều biện pháp, chấp hành và thực hiện nghiêm quy chế, quy trình nghiệp vụ, kỷ luật, kỷ cương của ngành; trang bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đồng thời phối hợp tốt với cơ quan Công an trên địa bàn trong bảo vệ an ninh, an toàn tài sản. Đến nay chưa để xảy ra trường hợp mất mát trong thu, chi tiền mặt và trong thanh toán…
PV: Xin đồng chí cho biết, những năm qua tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức KBNN đã được quan tâm kiện toàn như thế nào?
Đồng chí Đinh Văn Hợp: Qua 30 năm hoạt động, KBNN đã 4 lần thay đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho phù hợp với quá trình đổi mới quản lý kinh tế - tài chính của đất nước và ngành tài chính. KBNN Ninh Bình đã kịp thời sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Chiến lược phát triển của ngành.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 04/NQ-BCSĐ ngày 30/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, KBNN Ninh Bình đã giảm được 5 phòng tại KBNN tỉnh, 14 đầu mối cấp tổ tại KBNN cấp huyện. Giảm 7 lãnh đạo cấp phòng thuộc Kho bạc tỉnh, 17 tổ trưởng, tổ phó KBNN cấp huyện. Công tác luân phiên, luân chuyển, điều động, quy hoạch được thực hiện thường xuyên.
Đội ngũ cán bộ không ngừng được đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; chấp hành nghiêm kỷ cương kỷ luật và các quy định về nêu gương. Đến nay, cán bộ trình độ đại học chiếm 80,7%, trên đại học chiếm 8%, đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của ngành. Đoàn kết nội bộ ở đảng bộ, chi bộ, cơ quan và tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị luôn được phát huy, giữ vững.
PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm KBNN Ninh Bình tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới?
Đồng chí Đinh Văn Hợp: Phát huy kết quả đạt được, đồng thời trước những cơ hội và thách thức rất lớn đặt ra trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là triển khai Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, KBNN Ninh Bình tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu hoàn thành tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: đảm bảo công tác quản lý Quỹ ngân sách Nhà nước và các quỹ tài chính Nhà nước chặt chẽ, an toàn, hiệu quả; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại tạo thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân trong quan hệ, giao dịch, tránh phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực; tổ chức triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước và Tổng kế toán Nhà nước theo quy định, chất lượng; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản…. góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Phan Hiếu (thực hiện)