Theo kết quả điều tra của Sở Nông nghiệp & PTNT, năm 2007 tỉnh Ninh Bình có 30.770,6 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng là 16.418,5 ha, rừng phòng hộ 12.066,7 ha, rừng sản xuất là 2.285,4 ha. Như vậy, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 60,78% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Nếu như cứ duy trì cơ cấu 3 loại rừng như vậy thì hàng năm Nhà nước phải bỏ ra một số tiền không nhỏ cho việc trồng, bảo vệ và khoanh nuôi mà nhiều khi vẫn không đảm bảo được tác dụng phòng hộ, rừng trồng không đảm bảo về mật độ, chất lượng, phải trồng đi trồng lại nhiều lần, nhiều diện tích sau thời kỳ chăm sóc chất lượng kém, khả năng giữ đất, giữ nước thấp. Lao động nghề rừng có đời sống khó khăn, vì vậy không hấp dẫn được người dân tham gia. Hơn thế nữa, hiện nay nhu cầu sử dụng gỗ trong công nghiệp chế biến ngày càng tăng cao, đòi hỏi rừng không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà còn phải đem lại thu nhập cao cho chủ rừng.
Xuất phát từ thực tiễn trên và thực hiện theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng với tỷ lệ hợp lý, dành đất cho mục tiêu phát triển rừng kinh tế. Ngày 26-11-2007, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch rừng, theo đó quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp là 30.013 ha, giảm 757,6 ha so với hiện trạng để chuyển sang quy hoạch nhà máy xi măng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, tăng diện tích rừng sản xuất lên hơn 2 lần (4.910,9 ha), giảm diện tích rừng đặc dụng xuống còn 16.308,5 ha và rừng phòng hộ là 8.793,6 ha. Việc chuyển đổi này đã thực hiện được hơn 1 năm nhưng hiệu quả đem lại rõ nét, người dân hồ hởi với chính sách mới, mạnh dạn đầu tư cho trồng và chăm sóc rừng, chất lượng rừng được cải thiện, đời sống nhân dân ngày một đổi thay.
Đồng chí Phạm Văn Việt, Trưởng phòng Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT) chia sẻ với chúng tôi: Việc quy hoạch lại 3 loại rừng được coi như là "khoán 10" trong lâm nghiệp. Nếu ai không tận mắt chứng kiến chắc không thể tin được rằng người dân mua cả phân hóa học về để bón cho cây. Rừng của dân nên người dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc như đối với tài sản thuộc sở hữu của họ. Tác dụng phòng hộ của rừng được tăng cao, các hành vi chặt phá rừng trái phép được giảm thiểu.
Chúng tôi về xã Xích Thổ (huyện Nho Quan), một trong những xã thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi này. Trải rộng trên những triền đồi là màu xanh ngút ngàn của rừng. Đồng chí Phạm Văn Thúy, cán bộ lâm nghiệp xã cho biết: Những đồi cây này được trồng từ năm 2006, sau khi xã có quyết định chuyển đổi 103 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Lúc đầu bà con cũng còn dè dặt, băn khoăn nhiều, nhưng sau khi nghe chúng tôi giải thích cặn kẽ về mục đích, tác dụng và đặc biệt là quyền lợi khi chuyển đổi sang rừng sản xuất thì mọi người hiểu và hăng hái thực hiện. Năm đầu tiên chuyển đổi đã thu hút được 133 hộ tham gia, hộ nào nhiều thì 4-5 ha, hộ ít thì 400-500 m2. Đến nhà anh Hoàng Văn Vượng, thôn Đức Thành, xã Xích Thổ, một thanh niên trẻ đi đầu trong phát triển kinh tế, anh dẫn chúng tôi đi xem 2 ha rừng mà anh đã thực hiện chuyển đổi theo chủ trương của xã. Anh tự hào nói với chúng tôi: Những cây keo mới trồng chưa đầy 3 năm nhưng nhờ chăm sóc tốt nên đã cao 4-5 m, bằng cả những cây 7-8 năm tuổi. Dự định đồi cây của anh chỉ 3-4 năm nữa là có thể cho thu hoạch, nếu với giá hiện tại thì anh đã thu về trên dưới 50 triệu đồng/ha. Anh cho biết thêm: Nếu như để rừng phòng hộ như trước đây, người dân không đầu tư chăm bón nên nhiều cây 17-18 năm tuổi mà vẫn cằn cỗi, rỗng ruột, dần dần rừng bị hao hụt, không đảm bảo được mật độ, giảm khả năng che phủ.
Như vậy, với chủ trương chuyển đổi tăng diện tích rừng sản xuất, "rừng của Nhà nước" trở thành "rừng của dân", do dân đầu tư, khai thác và hưởng lợi, do đó tự thân mỗi chủ rừng đều có ý thức chăm sóc và bảo vệ chứ không cần bất cứ một hình thức vận động nào. Chất lượng rừng gắn liền với quyền lợi của chủ rừng, đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của kinh tế đồi rừng.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu