Chưa được gọi là làng nghề, song ở xã Gia Vượng, có rất nhiều hộ gia đình làm nghề khâu nón lá. Về Gia Vượng vào những ngày hè, dưới bóng mát của rặng tre đầu xóm, nhiều tay kim tập trung để khâu nón gợi nên một hình ảnh thanh bình. Vừa hỏi thăm nhau về tình hình thu hoạch vụ lúa chiêm, vừa thoăn thoắt tay kim để hoàn thiện chiếc nón mới, với mỗi người làm nghề khâu nón thì đó là khoảnh khắc thư thái trong ngày. Chị Trần Thị Dung ở xóm 4 tâm sự, đợt này bà con mới thu hoạch và bận phơi lúa vụ đông xuân, rồi lại tiếp tục gieo mạ nên ít người khâu hơn. Chứ nếu về địa phương vào những lúc nông nhàn, thì trong làng, ngoài xóm đâu đâu cũng bắt gặp những tốp thợ ngồi khâu nón lá. ở Gia Vượng, chẳng ai nhớ nổi nghề khâu nón có từ bao giờ đâu. Còn tôi, năm nay gần 50 tuổi rồi, từ khi tôi còn nhỏ cũng đã thấy ông bà, bố mẹ mình làm nghề này rồi.Nghề khâu nón đơn giản, dễ học, bởi vậy từ khi còn là học sinh tôi đã được các chị dâu truyền dạy cho. Trải qua nhiều thăng trầm, song ngày nay, ở Gia Vượng vẫn có nhiều hộ gia đình duy trì được nghề khâu nón lá. Chị Dung bảo, không khó để hoàn thành một chiếc nón. Nhưng nó chỉ thực sự là một tác phẩm đẹp khi có sự kết hợp giữa lòng kiên trì cộng với bàn tay khéo léo của người khâu. Nguyên liệu làm nón cũng dân dã lắm, chỉ đơn thuần là lá cọ, nứa, cây vầu, cước, kim, mo nang cứng làm nền nón…
Khâu nón cũng có nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo của người làm. Đầu tiên là dở lá, những chiếc lá gấp lại như chiếc quạt giấy sẽ được giở ra cho hết nếp để thuận lợi cho việc là phẳng. Công việc đó tưởng chừng đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo của người làm, nếu không lá sẽ bị rách. Xong công đoạn đó, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày hay mặt sắt phẳng nung nóng, dùng búi giẻ vuốt cho lá phẳng ra. Tiếp đó, là giai đoạn chuẩn bị khung vành hay còn gọi là quay nón. Đây là công đoạn khó, nhiều người dù khâu tốt song vẫn chưa chắc đã làm được. Một chiếc nón hoàn chỉnh có tất cả 15 vành, trong đó có 1 vành cái và 14 vành con. Vành cái được làm bằng tre để đảm bảo sự cứng cáp cho chiếc nón, còn những chiếc vành con thì làm bằng nứa, không có đầu mặt và rất dễ uốn dẻo.
Những chiếc vành nho nhỏ được đặt đều đặn lên khung khâu. Lúc này, những lá nón trắng nõn mới được lợp lên khung đề khâu. Giữa hai lớp lá nón, thợ làm nón lót một lượt mo nang lạng thật mỏng để cố định lá nón và ngăn thấm rồi mới bắt tay vào khâu. Những mũi kim thoăn thoắt, đều tay đến mức chẳng cần nhìn người thợ vẫn có thể điều khiển chiếc kim khâu như ý. Chị Dung bảo, chiếc nón có đẹp hay không phụ thuộc cả vào giai đoạn này. Mũi kim phải đều và chắc. Giai đoạn cuối là cườm cạp và làm chóp nón. Trước khi dùng, có người quàng thêm một lớp dầu bóng, tra nhôi làm quai.
Như vậy là chiếc nón đã được hoàn tất. Bởi có nhiều công đoạn, nên ngoài các tay kim chính thì trong mỗi gia đình đều có những "thợ phụ" rất đắc lực. Đàn ông, ngoài giờ đi làm thì có thể giúp vợ việc cơm nước, con cái để chị em toàn tâm, toàn ý cho nghề. Trẻ nhỏ hoặc người già có thể giở lá, luồn nhôi… cứ làm chăm chỉ, mỗi ngày cũng có thể làm được 2-3 cái. Ai có thời gian, có thể mang bán tận chợ, song phần lớn là bán cho những người lấy buôn, giá có thấp hơn đôi chút, song không phải mất thời gian đi chợ. "Giá nón bán buôn hiện nay là 50 nghìn đồng/chiếc. Mỗi ngày nhà tôi làm được từ 2-3 chiếc nón. Trừ chi phí đi, mỗi ngày cũng có thu nhập hàng trăm nghìn đồng. Đối với người nhà quê, đây là khoản tiền kha khá, không chỉ trang trải được sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể dành dụm để mua thêm sách vở cho con cái"- chị Dung chia sẻ.
Với những đổi thay nho nhỏ trong cuộc sống ấy, đủ để nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề của nhiều hộ dân Gia Vượng. Chiếc nón lá cũng đã đem lại nét riêng cho một phiên chợ quê vùng này. Ai ở trong Nam về thăm quê hay người dân vùng khác đến đều muốn mua cặp nón lá về làm quà cho bè bạn, người thân. Không chỉ là những chiếc nón hàng chợ, mà những người thợ khéo tay còn khâu thêm mặt hàng nón cưới. Bà Oanh ở xóm 2 là một tay kim khâu nón có hạng ở Gia Vượng. Con cái bà đều thành đạt và lập nghiệp ở Hà Nội. Bởi vậy, dù bà không quá phải bận tâm đến vấn đề cơm áo gạo tiền, nhưng, chẳng mấy khi bà ngừng tay kim, bởi bà bảo cái nghề này đã giúp gia đình bà có thêm điều kiện nuôi con cái ăn học nên người. Vậy nên với bà, mỗi lần cầm kim khâu là thể hiện tình yêu, sự nhớ nhung và là cả sự biết ơn của bà đối với nghề. Bà Oanh ít khi khâu hàng chợ, mà chủ yếu là khâu nón cưới theo đơn đặt hàng.
Người trong xã hay các vùng lân cận muốn có một chiếc nón cưới hoàn hảo thì ai cũng tìm đến bà Oanh. Vào những tháng lý tưởng để các cặp uyên ương xây tổ ấm, bà Oanh làm không xuể việc. Bà Oanh bảo, ngày nay các cô dâu, chú rể đều chuẩn bị cho mình một đám cưới với nhiều nét hiện đại, vậy nhưng tục mẹ chồng trao nón cưới cho nàng dâu là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một nghi thức thiêng liêng mà mỗi gia đình đều muốn gìn giữ. Chiếc nón cưới cũng sử dụng những nguyên, vật liệu như chiếc nón bình thường song đòi hỏi người thợ phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn, khâu chọn lá cũng cầu kỳ hơn. Cả vài nắm lá mới chọn đủ vài lá đẹp để khâu nón cưới. Vì là chiếc nón trong dịp trang trọng của đời người nên người khâu cũng dành cả vào đó sự tỉ mỉ, cầu kỳ như một lời chúc phúc cho tình yêu vĩnh cửu của cặp vợ chồng mới cưới. Cũng bởi vì sự tỉ mỉ, cầu kỳ ấy mà giá thành của một chiếc nón cưới đắt gấp đôi, gấp ba chiếc nón thường.
Cuộc sống hiện đại ngày nay càng xuất hiện nhiều loại mũ thời trang, cũng có nhiều nón cách tân, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, song chiếc nón lá vẫn gần gũi và có giá trị lớn trong đời sống và tâm hồn người dân Việt.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng