Khác với vẻ thư sinh thường thấy ở các chàng sinh viên, Biên rắn rỏi, chững chạc và có phần già trước tuổi. Em Biên tự hào: Nhờ có Quân đội rèn luyện, em mới được như thế đấy.
Đoàn Văn Biên cho biết, bố mẹ em làm nông nghiệp ở một miền quê nghèo chiêm trũng thuộc huyện Gia Viễn. Tuy vậy, gia đình luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho 3 đứa con được học tập đến nơi đến chốn. Khi em đang học THPT, bố em bị tai nạn giao thông, sức khỏe yếu đi rất nhiều. Mọi gánh nặng mưu sinh chuyển sang bờ vai gầy của mẹ. Hoàn cảnh gia đình khiến em đành từ bỏ ước mơ vào trường Luật và đăng ký dự thi vào khoa Cảnh sát biển của Học viện Hải quân (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Kết quả kỳ thi Đại học năm đó, Biên là một trong 10 thí sinh có điểm số thi đỗ cao nhất của Học viên Hải quân. "Tuy không phải là ước mơ từ thuở nhỏ, song đến với nghiệp nhà binh lại là một bản ngã đáng tự hào nhất trong cuộc đời em"- Biên xúc động.
Ngay từ những năm học đại cương tại Học viện Hải Quân, Biên đã được học những môn học về biển như: Luật biển, Thiên văn học, Địa văn học… Những kiến thức mới mẻ ấy đã thực sự mê hoặc chàng sinh viên ham học hỏi. Bên cạnh học lý thuyết, học viên còn được ra thực hành trên biển như cách nhìn các chòm sao để dự báo thời tiết, để xác định hướng đi của tàu; hay cách cho tàu vượt sóng khi có bão lớn, cách xử lý khi tàu gặp sự cố, gặp cướp biển…
Với việc xử lý các tình huống giả định này mà học viên tiếp thu kiến thức được dễ dàng hơn, đặc biệt đã khơi dậy được tính sáng tạo, linh hoạt của từng học viên. Đoàn Văn Biên tâm sự: bên cạnh việc được tiếp thu những kiến thức lý thú về ngành biển, chúng em còn được tìm hiểu về những trang vàng lịch sử của Hải quân. Em đặc biệt ấn tượng về chiến tích của Đoàn tàu Không số. Với tên gọi "Đoàn tàu Không số", trong điều kiện vô cùng gian khổ, bằng trí thông minh, linh hoạt trong xử lý các tình huống trên biển mà các chiến sỹ hải quân đã vận chuyển hàng hóa, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam một cách an toàn.
Qua các cuộc hành trình trên biển của Đoàn tàu Không số, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, nằm lại giữa lòng biển bao la để bảo vệ an toàn cho Đoàn tàu Không số và con đường huyền thoại. Không chỉ dệt nên huyền thoại, Đoàn tàu Không số hay hình ảnh những chiến sỹ quả cảm xả thân hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong trận chiến đấu trên đảo Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa) năm nào còn dệt vào tâm hồn, trái tim của các thế hệ người dân Việt Nam một lòng quả cảm, một ý chí bất diệt để các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ của Học viện Hải quân phải có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và tiếp nối.
Những kiến thức ấy, những trang vàng lịch sử ấy của Hải quân nhân dân Việt Nam đã thôi thúc tuổi trẻ của Học viện Hải quân nói chung và học viên Đoàn Văn Biên nói riêng luôn nỗ lực, ra sức học tập, rèn luyện bản lĩnh để vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió. Và niềm say mê học tập ấy đã giúp cậu học viên trẻ có thành tích học tập đáng tự hào.
Cả 3 năm liền tham gia kỳ thi Olympic toán học sinh, sinh viên toàn quốc, Đoàn Văn Biên đại diện cho Học viện Hải quân đã vượt qua gần 100 đại diện khác của các trường Đại học danh tiếng của cả nước để dành về cho Học viện giải Ba. Kết thúc 3 năm học đầu tiên, điểm tổng kết toàn khóa của Đoàn Văn Biên đạt loại xuất sắc. Với thành tích đã đạt được, Biên nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội toán học.
Nói về dự định của mình sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, chàng cảnh sát biển tương lai chia sẻ niềm khát khao được trực tiếp ra nơi đầu sóng, ngọn gió để canh giữ bình yên cho biển đảo. "Giờ đây, đối với các học viên của Học viện Hải quân, biển thực sự đã trở thành một tình yêu lớn, là nỗi nhớ và là một ngôi nhà bình yên của Tổ quốc. Những người con như chúng em phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Đó mới là những vòng hoa tưởng niệm ý nghĩa nhất để tuổi trẻ Học viện Hải quân tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự bình yên của biển đảo quê hương"- Đoàn Văn Biên tha thiết.
Bài, ảnh: Đào Hằng