→ Khát vọng của đồng bào Mường ở Nho Quan - Kỳ 1: Đánh thức bản xa
Nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp
Anh Đinh Văn Tự, sinh năm 1984 ở thôn Sấm 3, xã Cúc Phương là trường hợp điển hình. Lấy vợ, ra ở riêng với hai bàn tay trắng, lại sinh liên tiếp 3 người con, đó là nguyên nhân để mấy năm nay gia đình anh Tự nằm trong tốp nghèo của xã. "Vợ chồng tôi cố gắng mà vẫn chưa thể vươn lên thoát nghèo được vì thiếu nông cụ sản xuất. Sinh hoạt của cả gia đình phụ thuộc vào thu nhập từ việc đi làm cỏ mía thuê rất bấp bênh của tôi"- anh Tự nói.
Từ gần 2 năm trở lại đây, anh Tự không phải đi làm cỏ mía thuê nữa. Được hỗ trợ một chiếc máy cày cầm tay từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo của Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (còn gọi là Chương trình 135), anh Tự chăm chỉ cày xới ruộng đất nhà mình để trồng cấy, lúc rảnh việc thì đi cày thuê cho người dân trong thôn, cuộc sống dần bớt khó khăn.
Những ngày này, tranh thủ mưa xuân, anh Tự cày xới mảnh đất của gia đình để trồng cỏ voi. "Khi không còn lo thiếu ăn nữa thì tôi đặt ra mục tiêu cao hơn, đó là phải thoát nghèo. Dự tính, trồng xong ruộng cỏ voi này tôi sẽ vay vốn để mua trâu. Đồng đất ở đây không thuận lợi để cấy lúa. Tôi sẽ học hỏi bà con trong thôn, cải tạo ruộng đất để trồng và nuôi những cây, con phù hợp. Có chiếc máy cày thì việc làm đất trở nên rất dễ dàng, hiệu quả và năng suất hơn"- Anh Tự nói.
Gia đình anh Tự là một trong hai hộ nghèo của thôn Sấm 3, tính đến thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, cả hai hộ đều nghèo do thiếu công cụ sản xuất. Được xác định rõ nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, cả hai hộ nghèo ở thôn Sấm 3 đều tự tin sẽ thoát nghèo trong năm tới.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương khẳng định: Hiệu quả của công tác giảm nghèo ở Cúc Phương được bắt nguồn từ những thay đổi trong việc áp dụng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo thuộc các xã 135 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, hiệu quả của các chính sách này còn được thể hiện ở nhiều xã 135 khác trên địa bàn huyện Nho Quan.
Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo đã được phân hóa thành các đối tượng cụ thể như đối tượng nghèo thuộc diện bảo trợ, hộ nghèo có lao động… để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đối với hộ nghèo có lao động, nếu có quyết tâm và mạnh dạn cam kết vươn lên thoát nghèo thì được nhận hỗ trợ từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với mức hỗ trợ cụ thể là một con bò sinh sản, hoặc máy nông cụ để phát triển sản xuất, tổng mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ.
Đối với việc hỗ trợ trâu, bò sinh sản, nếu như ở một số tỉnh khác việc hỗ trợ được thực hiện 50/50, nghĩa là đối tượng nhận hỗ trợ phải hoàn trả bò sau khi bò sinh sản thì ở tỉnh ta, sự hỗ trợ này là tuyệt đối, đối tượng không phải hoàn trả lại trâu, bò. Đối với những hộ nghèo không có sức khỏe, không có nhân lực lao động thì sẽ được nhận hỗ trợ từ Dự án đa con nuôi phù hợp, với mục tiêu hỗ trợ người nghèo cải thiện cuộc sống.
Tính riêng năm 2020, các xã 135 đã thực hiện 13 dự án, trong đó có 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 6 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho 398 hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng nghìn con nuôi; thức ăn chăn nuôi; thuốc phòng bệnh ban đầu và hàng chục máy cày cầm tay...
Phấn đấu không còn hộ nghèo do thiếu kiến thức
Ông Đinh Xuân Khuông-người uy tín của bản Sau (xã Kỳ Phú) bắt đầu một ngày mới bằng việc đọc báo, chắt lọc và ghi vào sổ tay các thông tin mới liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; những tấm gương thoát nghèo, những mô hình kinh tế hiệu quả, có thể áp dụng vào đồng đất quê mình… Hôm nào có thông tin hay, hữu ích thì ông Khuông phấn khởi đi chia sẻ luôn với đồng bào trong bản, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ông Khuông chia sẻ: Một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo ở những hộ gia đình còn sức lao động, đó là do thiếu kiến thức làm ăn. Mặc dù cuộc sống đã khá hơn, bà con trong bản Sau được tiếp cận nhiều với các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy vậy, thông tin mà những người uy tín chắt lọc được từ việc tiếp thu tại các hội nghị; thông qua các ấn phẩm báo chí chính thống để mang tới tận nơi cho bà con như thế này vẫn được xem là phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất nhằm trang bị thêm kiến thức, góp phần giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Ông Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng Dân tộc UBND huyện Nho Quan cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của những người uy tín đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2013-2020, huyện Nho Quan đã bầu chọn 396 lượt người có uy tín tại 57 thôn, bản. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương đã thực sự phát huy tốt vai trò, tích cực trong việc tổ chức vận động đồng bào hăng hái phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.
Thông qua các hình thức tuyên truyền đã góp phần thay đổi nhận thức, ý thức, khơi dậy ý chí vươn lên; cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả để đồng bào dân tộc thiểu số vận dụng vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 4,92%; tỷ lệ hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số còn 7,17%. Đến năm 2020, Nho Quan chỉ còn 5 xã và 5 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn (giảm 26 thôn đặc biệt khó khăn so với giai đoạn 2013-2015).
Một chặng đường mới với nhiều cơ hội và thách thức đã mở ra đối với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan. Để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có mục tiêu cụ thể về công tác xóa đói giảm nghèo, Phòng Dân tộc cũng đã xây dựng chương trình hành động theo từng lộ trình, trong đó đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm còn 3,52%, phấn đấu đến năm 2030 giảm còn 2% và tiếp cận với mức bình quân chung tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, 100% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Ông Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng Dân tộc cho biết thêm: Để thực hiện chiến lược "dài hơi" này thì vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số được coi là nhiệm vụ then chốt. Mục tiêu đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp phấn đấu đạt trên 31%, đến năm 2030 tỷ lệ đạt trên 45%.
Đặc biệt, trong năm 2021 này, phấn đấu đạt 50% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm, từ đó có thể lựa chọn cho mình một cơ hội việc làm phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống… Với nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế gia đình, giờ đây, không chỉ là ước mơ thoát nghèo nữa, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan còn hướng tới những mục tiêu cao hơn, đó là làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Đào Hằng