→ Khát vọng của đồng bào Mường ở Nho Quan- Kỳ 2: "Lực đẩy" từ chính sách
Chuyện của gia đình bà Hạnh
Sau Tết Nguyên đán, gia đình bà Quách Thị Hạnh, ở thôn Sấm 3, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) đã trở lại nhịp sống như bình thường. Buổi sáng, bà Hạnh thu hoạch rau, củ trong vườn nhà để bán cho khách, còn chồng bà là ông Đinh Văn Thi đi làm cỏ mía và trông chừng mấy con trâu.
Người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, chưa phai được nét đẹp của một thời xuân sắc. Bà Hạnh bảo bà có lịch hẹn với mấy người trong thôn cùng nhau đi đánh mảng vào buổi chiều. Trong tâm hồn người phụ nữ ấy vẫn rộn ràng tiếng của mùa xuân.
Bà Hạnh quê ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Nhà bà chỉ cách thôn Sấm 3 một quả đồi. Bà Hạnh nên duyên với ông Thi nhờ mai mối. Lấy nhau rồi, bà sống lam lũ và cam chịu. Bà Hạnh bảo, cũng như hầu hết phụ nữ khác ở trong thôn này, những tháng năm tuổi trẻ của bà gắn với đồng áng, đồi rừng, với chồng và con cái. Mùa xuân, chưa bao giờ bà được đi chơi. Mùa xuân, cũng bắt đầu là mùa của lo toan cái ăn cho một năm mới. Và không chỉ có những lo toan, đó còn là những nhọc nhằn hiện hữu, là những buổi cả đêm soi đèn đi… tìm chồng đang say rượu hoặc say đánh bài ở một quả đồi nào đó.
Nén một tiếng thở dài khi những tháng năm xưa cũ ấy như hiện về ngay trước mắt. Bà Hạnh kể, ngày trước, ở đây chỉ trồng ngô, sắn thôi. Một ít diện tích thì cấy nếp nương. Bữa ăn chủ yếu là ngô, là sắn. Không ăn hết, nhưng cũng không thể mang sản phẩm đó mà đi đổi lấy các loại lương thực khác vì đường sá đi lại quá khó khăn, phương tiện lại không có. Ngô sắn ăn không hết thì đa phần mang nấu rượu. Thành ra đói đấy, nhưng đàn ông là say quanh năm.
Những hôm không uống rượu, ông Thi đi soi tắc kè. Thời giá bấy giờ, một con tắc kè bán được chừng 5-7 nghìn đồng. Mỗi đêm đi soi, ít nhất cũng bắt được dăm con. Số tiền không nhỏ cho một gia đình đông con ấy được ông Thi mang đi… chơi bài. Đánh bài xong, dù thắng hay thua cũng đều kết thúc bằng một trận say không biết lối về. Bà Hạnh vừa chăm con, vừa tranh thủ khai hoang 3 mảnh đất nhỏ trên đồi để trồng thêm ngô. Nhưng cuộc sống không bớt khó. "Như bao đàn ông trong thôn, ông ấy không phải là người xấu, ông ấy rất hiền lành. Nhưng đã là nếp nghĩ bao năm rồi, việc làm lụng ruộng đồng, lo toan cái ăn cái mặc cho con cái là việc của đàn bà. Đàn ông uống rượu, chơi bài"- bà Hạnh nhớ lại.
Năm 1987, ông Thi được giao nhiệm vụ là đội trưởng đội sản xuất của thôn. Được tiếp cận với các kiến thức KHKT, ông Thi dần thay đổi tư duy, không còn chơi bài, uống rượu nữa, ông Thi động viên đàn ông trong thôn cùng bắt tay vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Riêng ông Thi, tiền bán tắc kè ông gom để mua bò. Vài năm sau, ông Thi bán bò để mua trâu. Những con trâu dần làm thay đổi cuộc sống cho gia đình ông.
Năm 1992, được sự tín nhiệm của nhân dân, ông Thi được bầu làm trưởng thôn. Gắn bó với trọng trách ấy ngót 20 năm, một chặng đường đủ để ông Thi nhìn thấy sự đổi thay của thôn nghèo. "Bà con đã thay đổi tư duy trong sản xuất, chủ động đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả. Dần dần, đồng bào không trồng ngô nữa mà chuyển sang trồng mía bán cho doanh nghiệp, trồng keo và đặc biệt là được vay vốn ưu đãi để mua đại gia súc, phương tiện để chở hàng nông sản đi bán cho các xã vùng ven" - ông Thi kể.
Những con gia súc ấy đã đổi thay cuộc sống cho nhiều người dân ở thôn Sấm 3. Kinh tế cải thiện, người dân sẵn sàng chung tay cùng Nhà nước làm đường điện, đường giao thông… để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương. Riêng gia đình bà Hạnh, ông Thi, những tháng năm chắt chiu đã gặt được trái ngọt. Ông bà đã có khoản tiền tiết kiệm để mua đất và đầu tư xây dựng một quán kinh doanh karaoke cho cậu con trai út.
Niềm vui của người dân bản Sau
Chúng tôi đến thăm bản Sau ở xã Kỳ Phú vào những ngày đầu xuân năm mới. Con đường từ xã vào tới bản vẫn là con đường đất, những ngày này trơn trượt bởi mưa phùn. Dẫu vậy, theo một người dân dẫn đường, bản Sau đã ánh lên nhiều hy vọng và niềm vui. Từng đàn trâu đông đúc nhởn nhơ gặm cỏ; những thửa ruộng trồng hoa màu tốt tươi gợi sự no đủ.
Cụ Đinh Văn Nhị đã ngoài 90 tuổi. Cụ Nhị là một trong những người cao tuổi nhất của bản Sau. Cụ Nhị bảo, cái nghèo, cái đói của đồng bào ở bản Sau bắt nguồn từ việc sinh nhiều con mà ra. Biết bao nhiêu thế hệ, các cô gái phải kết hôn từ khi mới độ tuổi trăng rằm. Cứ như thế, đẻ đến cả chục đứa con. Tư tưởng bà con là thế. Lấy vợ, chồng sớm, sinh con sớm để có thêm người lao động, cuộc sống may ra bớt khổ, nhưng thực tế lại càng khổ thêm. "Đã một thời, trong bản còn tồn tại thủ tục cưới hỏi rườm rà, thách cưới cao. Nhiều gia đình không có tiền để cưới vợ cho con, đành lấy người trong họ hàng. Hậu quả thì nhìn rõ, những đứa trẻ không hoàn hảo ra đời từ những cuộc hôn nhân cận huyết thống ấy"- cụ Nhị thở dài.
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi tới thăm gia đình một "cô dâu nhí" một thời. ở tuổi ngoài 50, chị H. đã có cháu ngoại cách đây cả chục năm. Cuộc sống lam lũ khiến chị già hơn so với độ tuổi, nhưng vẫn tươi, vẫn vui. Theo lời chị H., chị vui nhất là đến thế hệ sau mình không còn cô gái nào phải lấy chồng từ rất sớm nữa. Các cô gái bây giờ được học hành đến nơi đến chốn, được tự do làm những điều mình ao ước và được quyền lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình.
Chị H. bảo, thời của bà, của mẹ rồi đến đời chị đều lấy chồng theo sắp đặt của gia đình. Trong bạn bè cùng trang lứa với chị cũng có nhiều đứa lấy chồng từ độ tuổi trăng rằm. "Tảo hôn làm mất đi cơ hội học tập, làm việc của các cô gái. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn bỗng chốc làm bố, làm mẹ, sinh cả đàn con. Cuộc sống nheo nhóc đeo bám không thể ngóc đầu lên được. Khi tôi sinh con gái, tôi đã tự hứa với mình, với con rằng mẹ sẽ không để các con phải vất vả vì "tảo hôn" như mẹ"- chị H. nói.
Ông Đinh Xuân Khuông, 70 tuổi, là người uy tín của bản Sau. Ông Khuông cho biết, thế hệ của chị H. là thế hệ sau cùng của tình trạng tảo hôn trong bản. Được đến trường, học chữ, được tiếp cận với các nguồn thông tin nên nhận thức của đồng bào đã được nâng lên nhiều. ở bản Sau từ nhiều năm nay không còn tình trạng tảo hôn và đặc biệt là không còn có cuộc hôn nhân cận huyết thống nữa.
Giờ, ngày kết hôn của đôi trai gái trong bản Sau trở thành ngày vui của cả bản. Không còn những hủ tục cưới hỏi rườm rà, trai gái kết hôn sau một hành trình tìm hiểu yêu đương tự nguyện. Người già trong bản đều khuyên con cháu gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng trong lễ cưới của đồng bào Mường. Những cặp vợ chồng trẻ sinh con đẻ cái đều có kế hoạch để có thêm điều kiện nuôi dạy các con tới nơi tới chốn. Dù số học sinh theo học Đại học của bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, đi học nghề đạt tới 70%, học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; 100% trẻ được đến lớp đúng độ tuổi. Theo kết quả rà soát cuối năm 2020, bản Sau có 148 hộ thì chỉ còn có 1 hộ nghèo. Bản Sau đã trở thành bản khá của xã vùng cao Kỳ Phú.
Đào Hằng
Kỳ 2 : "Lực đẩy" từ chính sách