Khảo nghiệm được tiến hành trên diện tích 3 ha lúa tại xã Lai Thành (huyện Kim Sơn), với chân đất trũng, dinh dưỡng trung bình. Ba giống lúa được sử dụng là: 527, 838, LT2.Phân bón NPK đa dinh dưỡng Ninh Bình sử dụng trong mô hình trình diễn gồm 2 loại: NPK 10.10.5 dùng để bón lót sau khi cấy, NPK 17.5.16.1 dùng để bón thúc 1 lần sau khi lúa bén rễ hồi xanh, có ruộng đối chứng bón phân đơn theo sản xuất đại trà.
Các kết quả theo dõi cụ thể cho thấy: Bón phân NPK Ninh Bình trong suốt quá trình sinh trưởng cây lúa luôn cứng, lá đứng, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ít hơn đối chứng, đặc biệt cây đẻ nhánh và trỗ bông nhanh, gọn, tập trung.
Một số chỉ tiêu về năng suất: Số bông/khóm cao hơn đối chứng 0,5-1 bông/khóm, số hạt chắc/bông cao hơn 2,6-3,3 hạt/bông, do vậy năng suất thực thu ở giống lúa lai cao hơn đối chứng 24 kg/sào, lúa thuần cao hơn 15 kg/sào. Phân tích hiệu quả kinh tế thì công thức bón phân NPK Ninh Bình cho thu nhập cao hơn từ 97.000 - 130.000 đồng/sào.
Ngoài ra, sử dụng phân NPK Ninh Bình còn giảm được công vận chuyển, công vãi phân và công phun thuốc BVTV. Như vậy, 2 loại phân NPK 10.10.5 và NPK 17.5.16.1 có tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng cân đối, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây lúa cũng như chân đất của xã Lai Thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguyễn Lựu