Sáng 4-10, tại UBND xã Quảng Lạc (Nho Quan), Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả đề tài "Xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao đạt giá trị thu hoạch 50 triệu đồng/ha/năm" và hiệu quả của việc sử dụng phân bón NPK Ninh Bình chuyên dùng cho lúa.
Khảo nghiệm được tiến hành trên diện tích 4 ha tại 2 thôn Quảng Thành và Đồng Thanh thuộc xã Quảng Lạc với 75 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo tham gia. Giống lúa chất lượng cao được lựa chọn là Bắc thơm số 7, đối chứng là giống Khang dân 18. Kết quả: Một số chỉ tiêu sinh trưởng như ngày trỗ, số ngày trỗ… của 2 giống là tương đương nhau, tuy nhiên chỉ tiêu về các yếu tố cấu thành năng suất thì giống Bắc thơm số 7 cao hơn: Tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao hơn đối chứng 16,67%, số hạt mẩy trên bông cũng cao hơn (4 hạt/bông). Năng suất lý thuyết cao hơn đối chứng 2 tạ/ha. Như vậy: Giống lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7) nếu canh tác đúng kỹ thuật sẽ cho năng suất bằng hoặc cao hơn các giống lúa truyền thống. Tính ra hiệu quả kinh tế thì 1 ha giống Bắc thơm số 7 cho lãi 25 triệu 236 nghìn đồng, trong khi đó nếu cấy bằng giống Tạp giao chỉ cho thu 17 triệu 150 nghìn đồng/ha.
Tại hội nghị, Hội Nông dân xã cũng báo cáo kết quả mô hình sử dụng phân bón đa dinh dưỡng chuyên dùng cho lúa (NPK 5.12.3 dùng để bón lót trước khi cấy và NPK 17.5.16.1 dùng để bón thúc 1 lần sau khi lúa bén rễ hồi xanh). Kết quả cho thấy, bón phân NPK Ninh Bình lúa đẻ nhánh tập trung, dảnh to đồng đều, lá dày, thân cứng, trỗ nhanh và tập trung, ít sâu bệnh hơn so với đối chứng bón phân đơn. Các chỉ tiêu cấu thành năng suất như: Tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao hơn 5%, số hạt chắc trên bông có hơn 10-14 hạt. Do vậy năng suất thực thu cao hơn 18-20 kg/sào, lãi cao hơn 140 nghìn đồng/sào.
Nguyễn Lựu