Ông Vũ Minh Lịch, người dân xóm 5, xã Khánh Vân phấn khởi chia sẻ: Sau nhiều năm thực hiện và hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì được hưởng lợi quá nhiều. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi người dân cũng tự ý thức trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng NTM. Đó là đóng góp thêm ngày công, tiền của xây dựng các công trình theo chuẩn NTM, tự đầu tư để chỉnh trang nhà cửa, mua sắm tiện nghi, vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM bằng việc nâng cao nhận thức trong giữ gìn, bảo vệ các công trình công cộng đã có; tích cực lao động, sản xuất để nâng cao đời sống cho bản thân và cộng đồng; tiếp tục đóng góp công sức, tiền của, động viên con, cháu học tập tốt, lao động hăng say, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, hiện đại hơn.
Theo đồng chí Hoàng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Khánh Vân, sau khi hoàn thành các tiêu chí NTM và được công nhận đạt chuẩn vào tháng 1/2018, trên địa bàn xã, 100% các tuyến đường trục xã, liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện; các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 131 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 còn 1,31% tính theo tiêu chí NTM; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên…. Thông qua việc lấy ý kiến đánh giá, có 99% người dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM trên địa bàn xã. Từ đó nhân dân phấn khởi, tiếp tục "công cuộc" duy trì và phát huy các tiêu chí NTM đã đạt được.
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để người dân có điều kiện nâng cao đời sống và tích cực đóng góp để tiếp tục xây dựng quê hương, xã Khánh Vân đã quan tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong phát triển kinh tế. Theo đó, ngoài việc duy trì vùng sản xuất lúa, Khánh Vân mở rộng thêm diện tích trồng cây thuốc lào gọn vùng với 91ha, cho giá trị thu nhập đạt 270 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây truyền thống. Đồng thời, được sự tạo điều kiện của địa phương về quỹ đất, nông dân đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đưa các loại giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, như khoai tây, ngô, ớt… và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các công ty. Hiện toàn xã có 65 máy làm đất các loại, 18 máy gặt đập liên hoàn, đã chủ động hoàn toàn về khâu điều tiết nước, làm đất và thu hoạch lúa bằng máy, góp phần giảm chi phí và tăng thu nhập cho người dân.
Các loại con nuôi như trâu, bò, lợn, gia cầm… được duy trì hàng chục nghìn con, mỗi năm xuất chuồng thịt lợn hơi gần 800 tấn; sản lượng thủy sản đạt trên 70 tấn/năm… Hiện toàn xã có 30 mô hình sản xuất tiên tiến, 5 mô hình liên kết sản xuất; có 8 trang trại, 39 gia trại và 82 mô hình kinh tế tổng hợp cho giá trị kinh tế bình quân từ 100-250 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động địa phương và thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Điển hình như hộ ông Trần Văn Tư, đầu tư trồng nấm cho thu nhập 400-500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương…
Đặc biệt, phát huy thế mạnh của địa phương, xã Khánh Vân đã tập trung tạo điều kiện cho người dân về mặt bằng đất đai, phối hợp với Ngân hàng CSXH khơi thông nguồn vốn cho người dân phát triển nghề trồng nấm. Xã đã thành lập 1 HTX sản xuất nấm, với 22 thành viên, thực hiện liên kết những người trồng nấm với nhau, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện trên địa bàn xã có trên 30 hộ trồng nấm, với trên 100 lao động tham gia làm nghề. Sản lượng nấm toàn xã năm 2017 đạt 600 tấn, cho giá trị 7 tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2018 xuất bán gần 500 tấn nấm các loại, cho giá trị hơn 6 tỷ đồng. Đặc biệt, người dân Khánh Vân đã xây dựng và đưa thương hiệu rượu nấm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng và sản phẩm được đăng ký bảo hộ thương hiệu toàn cầu.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã Khánh Vân cũng khuyến khích nhân dân phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, duy trì và phát triển làng nghề mây tre đan truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Trên địa bàn xã có hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong đó nhiều hơn cả là xưởng may, HTX nấm, các đội thợ làm nghề xây dựng, nghề mộc… giải quyết việc làm cho gần 600 lao động địa phương. Riêng làng nghề mây tre đan truyền thống giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 700 lao động địa phương, với thu nhập bình quân đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng; gần 900 lao động làm trong các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, có thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng và có 10 người đi xuất khẩu lao động…
Tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân của người dân xã Khánh Vân đạt gần 39 triệu đồng/người/năm, tăng gần 12 triệu đồng so với năm 2010; xã phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của người dân sẽ tăng lên 50 triệu đồng/người/năm. Điều đáng nói, Khánh Vân là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp, hiện chỉ còn gần 1,3% theo tiêu chí mới. Xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Huy Hoàng