Được biết, từ ngày 29/4/2019 trên địa bàn xã có hộ gia đình ông Lê Văn Phương ở xóm 5 nuôi 70 con lợn (gồm 63 con lợn thịt và 7 con lợn nái) có dấu hiệu sốt phát ban chết. Nhận được tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi huyện Yên Khánh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, sau đó xã đã chỉ đạo tiêu hủy theo đúng quy trình.
Ngoài gia đình ông Phương, trên địa bàn xã còn có một số hộ chăn nuôi xuất hiện lợn chết, xã đã báo cáo với UBND huyện, đồng thời phối hợp với Trạm Thú y huyện, ngành chức năng và cơ quan chuyên môn của huyện lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, xã đã tiến hành tiêu hủy, tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại và nhà ở của các gia đình có lợn bị nhiễm bệnh. Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của xã Khánh Thủy đến thời điểm này, 19 hộ ở 10/10 thôn xuất hiện dịch bệnh, tổng số lợn bị ốm, chết, tiêu hủy 216 con với số lượng gần 20 tấn...
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, xã Khánh Thủy đã và đang tập trung mọi nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Mạnh cho biết: Xã đã tăng cường công tác chỉ đạo, huy động các ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền cho các gia đình, hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn xã tích cực phòng, chống dịch bệnh, trong đó thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch tại các hộ chăn nuôi, khuyến cáo các gia đình chăn nuôi đảm bảo khu chuồng trại thoáng mát, cung cấp đầy đủ thức ăn dinh dưỡng, nguồn nước sạch để lợn phát triển, hạn chế dịch bệnh.
Cùng với đó xã đã thành lập đoàn công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các thôn, xóm, các chốt kiểm dịch trên địa bàn xã, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.
Mặt khác, tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Đặc biệt, xã đã thành lập 7 chốt kiểm soát để kiểm soát dịch bệnh, ngoài việc hoạt động liên tục 24/24 giờ, các cán bộ tại điểm chốt còn tăng cường kiểm tra tất cả các phương tiện chở hàng hóa, đặc biệt là các phương tiện chở thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ra vào địa bàn xã đều được phun hóa chất tiêu độc khử trùng.
Ngoài ra, xã còn thành lập 1 đội xung kích gồm 6 người do đồng chí Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã làm tổ trưởng tuần tra, thực hiện trực 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ để xử lý công tác dập dịch và công tác vệ sinh môi trường; thành lập đội xung kích làm nhiệm vụ tiêu hủy lợn có trang bị khẩu trang, găng tay, ủng, áo mưa..., đồng thời thường xuyên rắc vôi, phun thuốc sát trùng ở các điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh; xã cũng đã quy hoạch khu vực tiêu hủy lợn đảm bảo đủ diện tích khi có dịch bệnh xảy ra.
Đến nay xã đã tiếp nhận hỗ trợ của huyện mua thêm vôi bột, thuốc sát trùng, thuốc thú y cấp cho các hộ chăn nuôi và vận động các hộ tăng cường công tác khử trùng tiêu độc tại hộ gia đình và các khu vực ô nhiễm tại khu dân cư. Không chỉ vậy, xã còn thực hiện thưởng nóng cho những ai phát hiện hành vi tiêu hủy lợn dịch không đúng nơi quy định, không đúng quy trình.
Cùng với các biện pháp chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Ban chỉ đạo xã còn tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi về xử lý lợn chết, lợn ốm chết đúng nơi quy định, cho các hộ giết mổ ký cam kết không giết mổ lợn ốm, lợn chết, lợn mua ở các vùng có dịch.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng của xã còn tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng theo đúng hướng dẫn của Trạm thú y và các ngành chuyên môn, tránh để bệnh dịch lây lan...
Nhận thức được sự nguy hại của dịch bệnh tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, việc phòng, chống dịch còn cần phải diễn ra trong thời gian dài, vì vậy UBND xã Khánh Thủy mong muốn các cấp, các ngành sớm thực hiện các biện pháp giúp các hộ chăn nuôi có lợn chưa bị nhiễm dịch sớm tiêu thụ được lợn sạch ra thị trường, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho người chăn nuôi.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ thêm hóa chất sát trùng phục vụ cho phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, sớm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy, để họ kịp thời trang trải, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Đức Lam