Hội Sinh vật cảnh xã Khánh Thiện thành lập năm 2004 với số hội viên ban đầu là 42 người, đến nay đã có 62 thành viên được kết nạp vào Hội. Nhiều thành viên của Hội sở hữu những cây cảnh quý, có tay nghề kỹ thuật cao. Chẳng hạn gia đình hội viên Phạm Minh Hựu, Phạm Đức Long có truyền thống nhiều đời chơi cây cảnh, bản thân họ cũng là người khéo tay và có kỹ thuật cao. Bên cạnh đó còn phải kể đến các hội viên: Dương Văn Viết, Đỗ Ngọc Sơn, Phạm Ngọc Quyển, Vũ Văn Ham... được biết đến là những hội viên lành nghề. Trong vườn cảnh của anh Phạm Mạnh Tưởng sở hữu cây sanh với tên gọi "Cửu Long Trân Châu" 55 tán, đây là một cây cổ, dáng "Tản vân" được giới nghệ nhân yêu thích. Hay như hội viên Phạm Minh Hựu sở hữu cây sanh bám đá được giới chơi cây định giá 500 triệu đồng.
Điểm đặc biệt của Hội Sinh vật cảnh xã Khánh Thiện là có nhiều quân nhân đã nghỉ hưu tham gia, các hội viên rất nhiệt tình và yêu thích hoạt động sinh vật cảnh. Hội Cựu chiến binh của xã đóng vai trò nòng cốt của phong trào sinh vật cảnh. Nhiều cựu chiến binh hoạt động năng nổ và là những nhân tố tích cực thúc đẩy phong trào phát triển. Ngoài ra, sự tham gia nhiệt tình của MTTQ xã cũng góp phần không nhỏ tạo nên hiệu quả của hoạt động kinh tế sinh vật cảnh. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Khánh Thiện, xã Khánh Thiện hiện có hàng chục nghìn mét vuông đất làm cây cảnh, với 18.787 cây cảnh các loại, trong đó số cây trên chậu là 1.431 cây, trên đất là 17.356 cây, số còn lại các cây dạng phôi. Năm 2011, thời điểm hoạt động cây cảnh hưng thịnh, doanh thu từ kinh tế sinh vật cảnh của toàn xã ước đạt trên 7 tỷ đồng. Nhờ thu lợi từ ngành nghề này mà nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo, có hội viên còn vươn lên trở thành hộ khá, tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên khác. Năm 2012, dù thị trường sinh vật cảnh không sôi động như năm 2011 nhưng các sản phẩm sinh vật cảnh ở Khánh Thiện vẫn có giá trị kinh tế cao.
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Sinh vật cảnh xã Khánh Thiện đã hướng dẫn hội viên thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép hoạt động kinh tế sinh vật cảnh với hoạt động xây dựng nông thôn mới. Đó là tận dụng triệt để lợi thế của kinh doanh sản phẩm sinh vật cảnh trong việc giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho gia đình hội viên. Cũng nhờ vậy mà hiện tại Khánh Thiện có môi trường sinh thái khá tốt. Các trường mầm non, tiểu học, THCS của xã cũng quan tâm trồng và chăm sóc cây cảnh. Hội sinh vật cảnh xã còn vận động trồng 250 cây cảnh tại nghĩa trang của xã, tạo cho môi trường nơi đây phong quang, sạch đẹp, được người dân hết sức ủng hộ.
Những kết quả đạt được của Hội Sinh vật cảnh xã Khánh Thiện ngoài sự nỗ lực của Ban lãnh đạo Hội, toàn thể hội viên, còn có sự quan tâm ủng hộ của Đảng ủy, HĐND, UBND xã. Kế hoạch của xã là sẽ xây dựng thôn Hiếu Thiện (xã Khánh Thiện) thành làng nghề sinh vật cảnh, góp phần tạo dựng nên thương hiệu sinh vật cảnh xã Khánh Thiện, đưa kinh tế sinh vật cảnh trở thành mũi nhọn của xã.
Mai Phương