Các đồng chí: Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí: Tô Xuân Toàn, nguyên UVT.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Lê Minh Hồng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục và nhi đồng Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh...
Các đại biểu dự buổi lễ...
...và trồng cây lưu niệm tại Nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên.
Tại buổi lễ, đồng chí Bùi Thành Đông, Bí thư Huyện ủy Yên Mô đã đọc diễn văn chào mừng. Diễn văn dành những dòng trang trọng ôn lại tiểu sử hoạt của đồng chí Tạ Uyên và những cống hiến to lớn của đồng chí cho quê hương, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, quê hương Ninh Bình.
Đồng chí Tạ Uyên, sinh ngày 5/8/1898 tại làng Côi Trì, tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, nay là thôn Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình nông dân yêu nước. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang chịu cảnh đô hộ, áp bức bóc lột của thực dân Pháp; với lòng yêu nước, căm thù giặc, đồng chí Tạ Uyên đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Thời gian đầu hoạt động, đồng chí Tạ Uyên là một trong ba Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh ta, đồng chí đã tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở cách mạng nhiều nơi trong tỉnh.
Cuối năm 1929 đầu năm 1930, đồng chí Tạ Uyên bị đế quốc Pháp bắt và đầy ra Côn Đảo. Với ý chí của người cộng sản, đồng chí đã đấu tranh kiên trung với giặc và góp phần giữ vững lập trường và tuyên truyền cách mạng cho các tù nhân Côn Đảo.
Tháng 5-1935, đồng chí Tạ Uyên vượt ngục trở về hoạt động ở các tỉnh Nam Bộ. Đồng chí từng giữ nhiều trọng trách: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; Bí thư Liên ủy Cần Thơ; Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 23-11-1940. Tuy nhiên ngày 22-11-1940, một ngày trước cuộc khởi nghĩa, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn và đã hy sinh vào ngày 10/12/1940, để lại sự tiếc thương cho nhân dân và các bạn bè đồng chí.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt lãnh đạo tỉnh khẳng định và ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Tạ Uyên cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đồng thời bày tỏ niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Ninh Bình là mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng người con ưu tú của Đảng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, việc xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên là việc làm cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân huyện Yên Mô cũng như người dân tỉnh Ninh Bình. Công trình được hoàn thành sẽ có một ý nghĩa to lớn, khẳng định sự ghi nhận và tri ân sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền, người dân trong tỉnh đối với những đóng góp của to lớn của đồng chí Tạ Uyên, đồng thời công trình cũng có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho lớp trẻ...
Tại buổi lễ, đại diện chính quyền đã công bố Quyết định số 546 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận Nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Cũng tại buổi lễ, các đồng chí: Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và và nhiều đại biểu đã cắt băng khánh thành, làm lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên. Các đại biểu cũng đã ghi sổ lưu niệm và trồng cây tại Nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên.
Mai Phương