Hiệu quả từ công tác dồn điền, đổi thửa Trò chuyện với chúng tôi về hiệu quả trong công tác dồn điền, đổi thửa của xã Khánh Nhạc, ông Hoàng Văn Ngọc, xã viên HTX Hợp Tiến đã khẳng định: Dồn điền, đổi thửa là một chủ trương lớn, đúng đắn và hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhớ lại thời gian trước, gia đình tôi có hơn 7 sào ruộng được chia làm 3 mảnh khác nhau, khoảng cách giữa các mảnh ruộng gần 2 km rất bất tiện trong công tác gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch. Nhưng từ khi xã thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch chỉnh trang lại đồng ruộng, gia đình tôi chỉ còn 1 mảnh ruộng lớn, một đầu ruộng là đường nội đồng rộng rãi thuận tiện cho cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, một đầu là kênh dẫn nước chủ động cho tưới tiêu… Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình ông Ngọc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. ở vụ Xuân, gia đình ông gieo cấy 100% lúa hàng hóa chất lượng cao và sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch, vừa giảm chi phí, giảm công lao động, nhanh gọn, tránh mất mùa do mưa gió gây ra. Đặc biệt, trong vụ mùa năm nay, gia đình ông triển khai gieo cấy bằng phương pháp gieo sạ, cũng là biện pháp có hiệu quả kinh tế cao, giảm sức lao động trên đôi vai của người nông dân.
Ông Mai Xuân Hàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Hiện nay lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở nông thôn còn rất ít, chủ yếu là phụ nữ, người trung tuổi và người già. Trong khi nhu cầu phát triển đã đòi hỏi chất lượng hàng hóa nông sản trên thị trường ngày càng tăng. Do vậy, việc đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng là một tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để đáp ứng được điều đó, đòi hỏi phải dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tạo ra những cánh đồng rộng lớn. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, Khánh Nhạc là một trong 2 xã được chọn làm điểm công tác dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Khánh.
Để làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, không để xảy ra những sai sót, trước tiên xã chỉ đạo xóm 4A và xóm 4B của HTX Hợp Tiến làm điểm với diện tích 69 ha, rút kinh nghiệm, sau đó triển khai đồng bộ trên toàn xã. Sau một thời gian ngắn, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân 2 xóm đã đồng tình, nhất trí cao với chủ trương của xã. Từ việc mỗi hộ có nhiều thửa ruộng, sau khi dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Có trường hợp hai, ba anh em trong cùng một nhà tình nguyện cùng dồn vào một thửa ruộng. Qua việc triển khai thí điểm cho thấy, việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng ở 2 xóm chưa triệt để, mới chỉ dồn từ những thửa ruộng bé thành thửa ruộng to, chưa gắn với công tác thủy lợi, giao thông nội đồng để đảm bảo 100% diện tích được cơ giới hóa. Đây là những bài học kinh nghiệm quý giúp cho Khánh Nhạc triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa trên toàn xã tốt hơn và đồng bộ hơn.
Rút kinh nghiệm trong đợt làm điểm, sau khi triển khai nhân rộng, đồng ruộng xã Khánh Nhạc đã có nhiều thay đổi tích cực, nếu như trước đây bình quân mỗi hộ trong xã có 3,88 thửa thì sau khi phá bỏ bớt bờ vùng, bờ thửa tạo thành những ô thửa lớn, thì mức chia bình quân chỉ còn 1,3 thửa/hộ. Bên cạnh dồn điền, đổi thửa, xã đã kết hợp làm thủy lợi nội đồng, hoàn thành hệ thống kênh mương với hàng trăm đầu kênh dẫn nước, tạo điều kiện cho các hộ gia đình có một bên ruộng là kênh tưới tiêu và một bên là đường bờ thuận tiện cho sản xuất thâm canh, áp dụng các tiến bộ mới và đưa cơ giới vào đồng ruộng, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn. Qua đợt dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang quy hoạch lại đồng ruộng, xã Khánh Nhạc đã làm mới 137 tuyến đường bờ thửa, 131 tuyến kênh dẫn nước với kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Sau gần 2 vụ đi vào sản xuất cho thấy, công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng ở xã Khánh Nhạc như một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật. Hiệu quả sản xuất sau dồn điền, đổi thửa đã đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ nông dân, làm thay đổi căn bản tập quán canh tác của người nông dân, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. ở vụ Đông Xuân 2013, ngoài khâu làm đất đã được làm bằng máy thì trong khâu gieo cấy đã bắt đầu có máy cấy và thực hiện phương pháp gieo sạ. Riêng ở khâu thu hoạch có 70% diện tích sử dụng máy gặt đập liên hoàn khá thuận tiện, giảm chi phí bình quân 70.000 đồng/sào. ở sản xuất vụ mùa năm 2013, do chủ động được nước nên xã Khánh Nhạc đã khuyến khích các HTX và xã viên đẩy mạnh ứng dụng phương pháp gieo sạ, toàn xã đã gieo được 191 ha, trong đó HTX Hợp Tiến 160 ha. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa gieo sạ phát triển tốt, đồng đều, giảm chi phí giống, phân bón và công lao động so với cấy bằng phương pháp truyền thống. Những diện tích lúa gieo vãi trong vụ mùa đang hứa hẹn mang lại một vụ sản xuất bội thu và có hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Khánh Nhạc.
Hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng
Xây dựng kết cấu hạ tầng bao gồm đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,… là những tiêu chí quan trọng làm tiền đề thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định được vấn đề đó, xã Khánh Nhạc đã tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân trong xã đã hiểu được tầm quan trọng và quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc xây mới, nâng cấp những tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng, từ đó tự nguyện hiến đất, hiến tài sản, ngày công, góp phần đẩy mạnh các phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Trình, xóm 10A, xã Khánh Nhạc phấn khởi cho biết: Trước đây, khu đường này rất lầy lội, mặt đường hẹp gây khó khăn trong việc đi lại. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, con đường được đầu tư xây dựng kiên cố, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên chúng tôi rất đồng tình ủng hộ, tự nguyện hiến đất, góp công, góp tiền làm đường giao thông nông thôn. Riêng gia đình ông Trình đã tự nguyện phá dỡ tường rào, công trình phụ, hiến hơn 20 m2 đất thổ cư, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, đóng góp nhân lực đẩy nhanh tiến độ làm mới tuyến đường.
Được biết, thông qua vận động các tầng lớp nhân dân, con em quê hương đang công tác ngoài xã, xã Khánh Nhạc đã huy động được nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí huy động trong toàn xã đạt trên 252 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 34 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 218 tỷ đồng. Nhân dân trong xã đã hiến 13,2 ha đất ước tính gần 16 tỷ đồng; đóng góp tiền mua cát, đá, ngày công ước giá trị trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân trong xã đã chặt bỏ 550 cây các loại, tháo dỡ 390m2 tường thành, lán sản xuất nấm, di chuyển 37 cột điện hạ áp nông thôn để làm đường giao thông nông thôn. Nhờ vào sự chung sức của nhân dân, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, giao thương hàng hóa và các doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã Khánh Nhạc đã hoàn thành 100% đường giao thông nông thôn, trong đó có 4 đường trục xã, 108 tuyến đường dong ngõ xóm với chiều dài trên 10 km. Cùng với đó, xã đã hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình phúc lợi xã hội như: Trạm y tế xã; 8 phòng học đạt chuẩn Trường Tiểu học Khánh Nhạc A; kè bờ ao phía nam đài liệt sỹ; xây dựng 6 nhà văn hóa xóm; sửa chữa, nâng cấp 7,6 km tuyến đường giao thông nội đồng…
Theo ông Mai Xuân Hàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc, để đạt được những kết quả trên, mấu chốt quan trọng là phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của xã. Phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động để huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Khi triển khai vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản, ngày công xây dựng nông thôn mới, xã đã xây dựng một quy trình vận động sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Khi bà con nhân dân hiến đất, cán bộ xã, thôn, xóm thường xuyên có mặt trực tiếp để cổ vũ, động viên, thuyết phục nhân dân, từ đó người dân tự nguyện tháo dỡ, tạo ra khí thế, dấy lên phong trào chung của toàn xã. Cùng với đó, xã cũng nêu cao vai trò của nhân dân "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện dồn điền, đổi thửa xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Nhạc đã thực hiện đạt và gần đạt nhiều chỉ tiêu được coi là khó: gần 90% đạt tiêu chuẩn hộ gia đình văn hóa, 2/4 xóm đạt khu dân cư mẫu; 13-15 nghìn lượt người được thăm khám chăm sóc sức khỏe ban đầu; trên 75% số hộ có công trình phụ hợp vệ sinh; có trên 85% số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8%, hộ cận nghèo 5,24 %;… Với những chính sách phù hợp, những bước đi thận trọng, chắc chắn, hết năm 2012 xã Khánh Nhạc đã thực hiện được 12/19 tiêu chí nông thôn mới, trong năm 2013 xã phấn đấu thêm 2 tiêu chí và hoàn thành 19/19 tiêu chí vào năm 2015.
Bài, ảnh: Hồng Giang