Thời điểm này về xã Khánh Nhạc đang là vụ thu hoạch lúa mùa, nhưng nhiều mảnh ruộng cấy giống lúa chất lượng cao LT2, Bắc Thơm số 7, nhất là ở những chân đất trũng không hề có màu xanh, màu vàng của lúa mà thay vào đó là một màu đen xì.
Bác Nguyễn Văn Đông, HTX Đồng Tiến cho biết: Gia đình tôi có tổng diện tích gieo cấy hơn một mẫu ruộng thì có tới 9 sào gieo cấy bằng giống lúa chất lượng cao LT2 và Bắc thơm số 7. Đây là giống lúa cho gạo ngon, có giá bán cao, ở vụ Đông Xuân cho năng suất đạt từ 1,8-1,9 tạ/sào, nhưng ở vụ này chỉ được 30-40kg/sào. Thế là bao công sức, tiền của đổ vào ruộng lúa, chờ đến ngày thu hoạch thì lại trắng tay.
Nguyên nhân chính là do toàn bộ hai giống lúa này đều bị nhiễm nặng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá, đóm sọc vi khuẩn. Trong quá trình gieo cấy, chăm sóc chúng tôi đều thực hiện đúng theo kỹ thuật và lịch thời vụ của HTX thông báo. Khi có sâu bệnh, HTX thông báo trên loa phát thanh là bà con lại rủ nhau đi kiểm tra và phun trừ đúng theo hướng dẫn nhưng hầu như không lại được với sâu bệnh.
Năng suất lúa quá thấp, trong khi thu nhập chính của gia đình tôi chỉ biết trông cậy vào hơn 1 mẫu ruộng này. Do đó, chúng tôi rất mong được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh và Trung ương có chính sách hỗ trợ những diện tích lúa mất mùa, tạo động lực để bà con tiếp tục tham gia sản xuất ở những vụ tiếp theo.
Cũng như ruộng nhà bác Đông, nhiều mảnh ruộng ở những khu bên cạnh cũng bị mất mùa. Đang gặt lúa, bác Phạm Thị Tuyến, HTX Đồng Tiến cho biết: "Năm nay bà con nông dân buồn lắm, có làm nhưng lại không có ăn. Gia đình tôi cấy 6 sào ruộng toàn bộ bằng giống lúa Bắc Thơm số 7, hiện nay chỉ thu hoạch được khoảng 20 kg/sào. Với tình hình lúa như thế này thì có thu hoạch về cũng chỉ để nuôi gà, nuôi lợn, chứ người không thể ăn được vì hạt lúa lép và đắng".
Vừa chỉ sang ruộng bên cạnh, bác Tuyến vừa nói: Hộ đó lúa bị sâu bệnh nặng lắm, với thời tiết khô hanh như thế này chỉ cần một mồi lửa là cháy hết. Cả gia đình đã tập trung ra ruộng để thu hoạch nhưng thấy có thu cũng không được mấy kg lúa nên lại quay về. Hiện nay bà con nông dân ở đây chỉ ra đồng tận thu được hạt nào hay hạt đó, không nhà nào dám thuê máy gặt vì nếu thuê máy sẽ bị lỗ nặng.
Theo ông Mai Xuân Hàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc, vụ mùa năm nay xã đã gieo cấy được 639 ha, trong đó có 70% diện tích cấy lúa chất lượng cao LT2 và Bắc thơm số 7 và được cấy ở trà mùa sớm trên những chân đất quy hoạch trồng cây vụ đông. Đối với hai giống lúa LT2 và Bắc thơm số 7 đã đưa vào gieo cấy trên đồng đất của Khánh Nhạc được 5 năm (tức là10 vụ sản xuất).
Những năm đầu tiên cho năng suất, giá bán cao nên bà con rất phấn khởi và tích cực mở rộng diện tích ở các năm tiếp theo. Nhưng mấy vụ sản xuất gần đây hai giống lúa này đã xuất hiện bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc vi khuẩn, xã đã khuyến cáo bà con nông dân không đưa vào vụ mùa năm nay mà thay bằng bộ giống khác có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Do chất lượng gạo ngon và vẫn cho năng suất khá ở vụ mùa năm trước nên bà con chủ quan tiếp tục đưa hai bộ giống này vào sản xuất với diện tích rất lớn.
Ở đầu vụ sản xuất lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên diện tích lúa chất lượng cao có khả năng chống chịu với thời tiết và kháng sâu bệnh kém đã bị một số loại sâu bệnh phát sinh và phá hại, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.
Để phòng trừ sâu bệnh hại lúa, UBND xã đã chỉ đạo các HTX Nông nghiệp tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh, kịp thời khuyến cáo và hướng dẫn bà con cách phòng trừ hiệu quả. Bà con nông dân cũng thường xuyên thăm đồng ruộng nhà mình và tập trung phun trừ đúng theo hướng dẫn và thông báo của huyện, của xã nhưng không khống chế được sâu bệnh.
Đến nay lúa mùa đã chín, nhưng toàn xã có tới 70% diện tích lúa có năng suất đạt thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 50kg/sào - 70 kg/sào. Do có diện tích cấy lúa nếp và các giống lúa còn lại khác nên năng suất bình quân của cả xã kéo lên được 35 tạ/ha, thấp hơn vụ mùa năm trước trên 20 tạ/ha.
Ông Mai Xuân Hàn cho biết thêm: Qua vụ sản xuất năm nay đã rút ra một bài học lớn cho toàn thể cán bộ và bà con nông dân trong xã về vấn đề bố trí cơ cấu giống lúa, trà lúa, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa…
Trong những vụ tiếp theo, đặc biệt là vụ mùa, Đảng Ủy và UBND xã Khánh Nhạc kiên quyết chỉ đạo các HTX và bà con nông dân không đưa hai bộ giống lúa chất lượng cao này vào sản xuất, thay vào đó là những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là chống chịu tốt với thời tiết và sâu bệnh.
Hiện nay, UBND xã Khánh Nhạc đang tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, vận động bà con nông dân ổn định tâm lý, tư tưởng, thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa đã bị thiệt hại, sớm triển khai sản xuất cây vụ đông để bù đắp lại thiệt hại do sản xuất vụ mùa gây ra.
Bài, ảnh:Hồng Giang