Năm nay, gia đình ông Phạm Văn Hậu, xóm 7, thôn Bình Hòa không còn vất vả như trước, bởi toàn bộ diện tích của gia đình ông đã tập trung tại 2 xứ đồng nên việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ mùa chỉ mất từ 1 đến 2 ngày. Ông Hậu phấn khởi cho biết: Trước kia gia đình ông có 6 thửa ruộng ở các xứ đồng khác nhau, việc trồng cấy, chăm sóc các loại cây trồng tương đối vất vả, phần vì diện tích sản xuất nhỏ, manh mún khó đưa máy móc vào sản xuất, phần khác việc đưa các loại giống đồng trà, đồng vụ vào sản xuất cũng không được thuận lợi. Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, vụ sản xuất này gia đình ông chỉ còn 2 thửa, thời gian và công sức gieo trồng, chăm sóc lúa đã được rút ngắn đi rất nhiều, đặc biệt là vụ đông năm nay, gia đình yên tâm hơn khi đưa vào sản xuất các cây trồng ngắn ngày do hệ thống kênh mương hầu hết đã được kiên cố, kịp thời tưới-tiêu cho cây vụ đông khi xảy ra mưa bão kéo dài…
Ông Đào Văn Toán, Chủ nhiệm HTX Khánh Hồng cho biết: Hiện bình quân mỗi hộ gia đình ở HTX Khánh Hồng có từ 6-7 thửa, hộ ít cũng có tới 3-4 thửa. Với thực trạng ruộng đất như hiện nay rất khó khăn khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, do đó mỗi vụ sản xuất, HTX có rất ít diện tích được gặt bằng máy gặt đập liên hoàn. Trước thực trạng đó, HTX xác định việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng là một tất yếu mà HTX phải thực hiện để nâng cao giá trị trên một diện tích đất canh tác. Theo đó, trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, HTX tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, trong đó chú trọng làm tốt ngay từ khâu đo đạc, xác minh diện tích từng thửa và dự kiến quy hoạch thủy lợi nội đồng, kênh mương tưới tiêu ngoài thực địa. Lên bản đồ quy hoạch vùng thửa, thiết kế hệ thống đường nội đồng, kênh mương tưới tiêu, cống tiêu nước trên phạm vi toàn HTX. Để phát huy dân chủ, trong quá trình triển khai, HTX tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của mỗi hộ gia đình. Đến nay, sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, bình quân mỗi hộ gia đình ở HTX Khánh Hồng chỉ còn từ 1-2 thửa, nhà nhiều khẩu cũng chỉ có 2-3 thửa, nông dân thực sự phấn khởi và yên tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp…
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hồng cho biết: Thực hiện dồn điền đổi thửa, địa phương đã tiến hành thống kê, rà soát toàn bộ diện tích đất sau chỉnh trang. Trên cơ sở diện tích được giao, các thôn tiến hành xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa phù hợp với điều kiện cụ thể của thôn, đảm bảo theo đúng quy định của Ban chỉ đạo. Khánh Hồng hiện có gần 10.000 thửa ruộng, bình quân mỗi hộ có gần 4 thửa, một số hộ có từ 6-7 thửa, phân bố trên nhiều xứ đồng. Để giải quyết tình trạng ruộng đất manh mún và phân tán, tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Khánh Hồng đã chỉ đạo các HTX tuyên truyền vận động những hộ có diện tích dưới 5 sào thì giao vào 1 thửa, những hộ có diện tích từ 5 sào trở lên thì giao 2 thửa/hộ. Đồng thời, vận động các hộ dân tự nguyện hiến 9m2 đất/sào để làm đường giao thông nội đồng; nhiều gia đình còn tự nguyện hiến từ 250- 310.000 đồng/sào để thuê máy nạo vét kênh mương, đắp đường giao thông nội đồng. Thời điểm này, Khánh Hồng đang chỉ đạo các HTX khẩn trương quy hoạch lại hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng hệ thống kênh dẫn nước, đường bờ vùng, bờ thửa mới. Xã phấn đấu sẽ hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa trong tháng 12 để kịp thời cho vụ sản xuất đông xuân.
Xác định việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang quy hoạch, sắp xếp lại đồng ruộng là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, do đó các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân xã Khánh Hồng đã và đang tập trung thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra, giao đất thực địa vào tháng 12-2013 để nông dân bắt đầu vào vụ sản xuất sau khi đã dồn điền, đổi thửa...
Huy Hoàng