Xã Khánh Hải có 3 HTX nông nghiệp là Vân Bòng, Nhuận Hải và Đông Mai. Trong đó, HTX Vân Bòng dẫn đầu về gieo sạ lúa với 100% diện tích. Ông Vũ Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Vân Bòng cho biết: Trước năm 2010, một số hộ dân đã áp dụng phương pháp gieo sạ để canh tác 2 vụ lúa trong năm, tuy nhiên diện tích còn rất hạn chế. Sau một vài vụ lúa thắng lợi, dần dần các xã viên đã thấy rõ những ưu điểm của phương pháp gieo sạ so với cấy lúa truyền thống.
Với mong muốn đem lại cho người dân những vụ mùa bội thu, giảm chi phí và công lao động, đồng nghĩa với việc tăng nguồn lợi nhuận thu được từ sản xuất nông nghiệp, các cán bộ HTX quyết tâm thay thế hoàn toàn phương pháp cấy lúa truyền thống bằng phương pháp gieo sạ, trở thành phương pháp đại trà trong HTX.
Nhằm vận động bà con nhân dân thực hiện, các cán bộ HTX phải là người tiên phong. Kể từ vụ đông xuân 2008, tất cả cán bộ của HTX nông nghiệp Vân Bòng cũ (trước khi thực hiện Đại hội chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012) đã tự tìm hiểu và áp dụng phương pháp gieo sạ lúa cho diện tích canh tác của hộ gia đình.
Bên cạnh đó, HTX cũng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền nhằm phổ biến kỹ thuật canh tác cho các xã viên. Sự vào cuộc quyết liệt đó đã phá vỡ những rào cản của tư duy bảo thủ theo phương pháp gieo cấy lúa truyền thống, khẳng định hiệu quả của phương pháp gieo sạ lúa.
Kể từ năm 2010, gieo sạ đã trở thành phương pháp canh tác lúa đại trà của các xã viên HTX Vân Bòng, 100% các hộ đều sử dụng phương pháp này để sản xuất 2 vụ lúa trong năm. Vụ đông xuân này, diện tích gieo sạ của HTX là gần 180 ha lúa.
HTX Nhuận Hải và Đông Mai áp dụng phương pháp này muộn hơn, từ năm 2012, gieo sạ mới được áp dụng rộng rãi. Vụ đông xuân 2016 này, diện tích gieo sạ của 2 HTX trên chiếm khoảng 70% diện tích. Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Mai cho biết: Sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt mà phương pháp gieo sạ mang lại, bà con nông dân rất nhiệt tình hưởng ứng áp dụng phương pháp này vào canh tác. Dự định năm 2017, HTX Đông Mai sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ, tiến tới áp dụng trên 100% diện tích.
Tại HTX Nhuận Hải, việc sử dụng gieo sạ lại tùy thuộc nhiều vào việc sản xuất cây màu vụ đông của người nông dân. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch HĐQT HTX Nhuận Hải cho biết: Vụ đông xuân, diện tích gieo sạ tại HTX chiếm trên 70% diện tích. Song đến vụ mùa, diện tích gieo sạ giảm xuống còn khoảng 50% diện tích cùng với việc sử dụng các giống lúa thuần như Khang dân 18.
Nguyên nhân dẫn đến việc người dân sử dụng các giống lúa như trên là do thời gian sinh trưởng ngắn, sau khi thu hoạch, người dân có thời gian để cải tạo đất, chuẩn bị để sản xuất rau màu vụ đông. Được biết, sản xuất rau màu vụ đông đem lại nguồn lợi nhuận khá lớn cho xã viên HTX.
Gieo sạ có rất nhiều ưu thế so với cấy lúa truyền thống như: giảm chi phí sản xuất (giống và công lao động), rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, giải phóng sức lao động, chủ động cơ cấu giống và thời vụ. Chính người nông dân sẽ thấy rõ hơn ai hết những ưu điểm trên. Gia đình ông Đoàn Văn Sự, xóm Lẻ Vân, xã Khánh Hải chia sẻ: Gieo sạ đỡ vất vả hơn so với cấy lúa truyền thống.
Trước đây, việc cấy lúa là thời điểm cực nhọc nhất trong một vụ sản xuất. Sau khi áp dụng phương pháp gieo sạ, mỗi ngày vợ chồng tôi có thể gieo sạ hơn 2 mẫu ruộng. Trước đây, đó là điều không thể, tuy có nhiều ưu thế hơn so với cấy lúa truyền thống, song việc áp dụng gieo sạ lúa cũng cần chú trọng một số biện pháp. Quan trọng nhất trong việc áp dụng phương pháp gieo sạ chính là khâu làm đất và điều tiết nước.
Sản xuất nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của các địa phương. Song với tình trạng thiếu lao động nông nghiệp trầm trọng như hiện nay, việc áp dụng phương pháp gieo sạ nhằm giải phóng sức lao động là vấn đề cấp thiết. Và gieo sạ lúa đang là giải pháp hữu hiệu mà người dân xã Khánh Hải lựa chọn được, nhằm xóa đi những ký ức về những ngày "còng lưng" cấy lúa cực nhọc.
Thái Học