Bên ruộng bí xanh của gia đình, ông Nguyễn Văn Hoàn, xã viên HTX Đông Mai, xã Khánh Hải vạch từng gốc bí xanh, chỉ cho chúng tôi những quả bí to bằng bắp tay. Ông Hoàn cho biết: Thời tiết ấm áp, cây bí ra hoa, đậu quả thuận lợi, quả lớn nhanh. Nếu như mọi năm, 1 quả bí chỉ nặng khoảng 2 kg thì năm nay có những quả tới 4-5kg.
Tuy nhiên "được mùa" thường đi kèm với "rớt giá", mọi năm đầu vụ giá 1 kg bí chí ít cũng được 6.000-7.000 nghìn đồng/1kg, lúc cao lên tới 13.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/1 kg. "Thời điểm này mới là đầu vụ, bà con chưa thu hoạch rộ, tôi đang lo vài tuần nữa cả nghìn tấn bí vùng này sẽ bán đi đâu? Liệu thương lái có ép giá xuống nữa?", ông Hoàn không giấu được sự lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Thao, một nông dân khác cũng cho hay: gia đình bà trồng 5 sào bí xanh, thời điểm này đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến năng suất đạt khoảng trên dưới 1 tấn quả/sào, tuy nhiên, cũng chưa thấy có thương lái hỏi mua. Nếu để lâu ngoài đồng thì sợ bí bị quá lứa, sâu bệnh, mưa nắng làm hỏng quả nên gia đình phải cắt bí đem về nhà bảo quản. Bí xanh được bà con xã Khánh Hải trồng nhiều năm nay, là loại cây vụ đông, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Trung bình 1 ha bí xanh cho giá trị 100-120 triệu đồng. Đây là loại cây trồng được đánh giá là góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương. Tuy nhiên, năm nay loại nông sản này đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Trao đổi với ông Phạm Đức Báu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, được biết: Vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng 255,5 ha cây vụ đông các loại. Trong đó cây bí xanh là cây trồng chủ lực với diện tích 107 ha, tập trung chủ yếu ở HTX Đông Mai.
Hiện nay, diện tích này đang chuẩn bị vào thời kỳ cho thu hoạch rộ, tương đương với gần 3 nghìn tấn bí thương phẩm cần được tiêu thụ. Trước tình trạng giá bí xuống thấp, xã đang chỉ đạo các HTX tăng cường tìm các đầu mối tiêu thụ, giải quyết khó khăn cho bà con nhưng thực tế mới chỉ có một vài đơn vị nhỏ lẻ về mua, mỗi ngày vài tấn.
Ông Báu chia sẻ thêm: Diện tích bí xanh của xã tương đối lớn, mong muốn có đầu ra ổn định, đảm bảo được giá trị bền vững của quả bí, nhiều lần xã đã mời các doanh nghiệp về để khảo sát, thương thảo đi đến liên kết bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến thì yêu cầu phải có sản phẩm cung cấp ổn định, thường xuyên, quanh năm nhưng tập quán canh tác của bà con trong xã lại chỉ trồng bí xanh vào vụ đông.
Về phương án làm kho lạnh để bảo quản thì cũng không khả thi bởi chi phí tốn kém, yêu cầu về nhân lực, kỹ thuật hiện đại…Do vậy, đến thời điểm này đầu ra cho quả bí vẫn bị bỏ ngỏ.
Bài, ảnh: Hà Phương