Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Đông Mai cho biết: HTX có tổng diện tích đất gieo trồng là 198 ha. Đến thời điểm hiện nay, HTX trồng được 130 ha cây vụ đông các loại, bao gồm: Bí xanh 50 ha, khoai tây 35 ha, còn lại là rau màu (rau cải, cà chua, su hào, xà lách, bắp cải...).
Diện tích cây khoai tây đã trồng xong trước đang sinh trưởng, phát triển khá tốt; trong đó có 20 ha là của Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình thuê đất của HTX trong 5 năm để sản xuất. Riêng diện tích bí xanh đã và đang cho thu hoạch.
Đáng chú ý trong vụ đông này là HTX đã đứng ra làm đầu mối trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm bí xanh cho người nông dân (theo từng đợt thu hái bí) và đã thu mua, tiêu thụ cho thương lái ở Hà Nội được trên 20 tấn với giá bán là 4.500 đồng/kg. Nhân dân trong vùng rất phấn khởi vì sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Riêng rau màu thì người dân tự tiêu thụ, nhưng giá bán cũng khá cao, do ảnh hưởng của mưa lũ nên khan hiếm rau xanh.
Đồng chí Đỗ Trường Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Vụ đông năm 2017, xã xây dựng kế hoạch và dự kiến gieo trồng 236 ha cây vụ đông chủ yếu là cây bí xanh, khoai tây, ngô và rau màu. Đến thời điểm đầu tháng 10, toàn xã đã trồng được khoảng 115 ha cây vụ đông các loại; trong đó cây bí xanh, ngô đã thực hiện xong, đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất.
Trong các ngày từ 9 đến 12/10 trên địa bàn toàn tỉnh và huyện Yên Khánh đã xuất hiện những trận mưa to đến rất to làm ngập úng và ảnh hưởng đến chất lượng lúa mùa và cây vụ đông đã trồng. Mưa lũ còn cản trở tiến độ gieo trồng cây vụ đông và khung thời vụ cho cây đông ưa ấm (ngô, bí xanh, đậu tương...) không còn. Sau mưa lũ, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân thu hoạch lúa mùa; chăm sóc cây đông sót lại; tiếp tục gieo trồng cây đông còn trong khung thời vụ, cây đông ưa lạnh (khoai tây, rau màu).
Đến thời điểm cuối tháng 11/2017, toàn xã trồng được 185 ha cây vụ đông; trong đó có: 35 ha cây khoai tây (HTX Đông Mai); 80 ha bí xanh; còn lại là rau màu các loại. Bí xanh là loại cây đã được đưa vào trồng trong nhiều vụ đông đã qua ở Khánh Hải, cho hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bí xanh đạt khoảng 700-800 kg/sào; giá bán bình quân khoảng 5.000 đồng/kg thì giá trị thu được 1 sào từ 3,5 - 4 triệu đồng, tương đương từ 94,5 đến 108 triệu đồng trên 1 ha canh tác.
Xã cũng đã có chủ trương và quy hoạch xây dựng vùng sản xuất bí xanh trên diện tích 100 ha; đề nghị ngành Nông nghiệp sớm công nhận vùng sản xuất bí xanh an toàn này để xã có động lực phát triển cây vụ đông nói chung và cây bí xanh nói riêng.
Mặt khác, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng, nhân dân trong xã đang mong chờ văn bản chính thức về việc hỗ trợ, giúp đỡ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra của tỉnh, huyện và ngành Nông nghiệp.
Thời gian tới, xã sẽ tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc cho cây khoai tây; quay vòng nhanh cây rau nhằm tăng thu nhập cho người dân. Đa số người dân trong xã Khánh Hải đều cho rằng: Vụ đông là vụ sản xuất đem lại giá trị cao và nếu không làm vụ đông thì sẽ không có tiền tiêu Tết sắp tới.
Có thể thấy, vụ đông năm 2017 là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai, mưa lũ. Nhưng, với kinh nghiệm và truyền thống, cùng với điều kiện đất đai và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, tập trung của Đảng ủy, UBND xã, Khánh Hải vẫn là địa phương đi đầu và là điểm sáng trong phát triển cây vụ đông của huyện Yên Khánh nói riêng và tỉnh nói chung.
Đinh Chúc