Ông An Viết Luân cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu ruộng, được chia làm 5 mảnh khác nhau, mảnh to hơn 2 sào, mảnh bé chưa đến 1 sào. Cứ mỗi vụ sản xuất gia đình lại gặp khó khăn về lao động, nhất là khi các con đã trưởng thành chỉ còn có 2 lao động đã ngoài 60 tuổi lại càng khó khăn hơn. Từ khi biết xã Khánh Dương có chủ trương dồn điền, đổi thửa, tôi và bà con nông dân rất vui mừng, phấn khởi, đồng tình ủng hộ chủ trương này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Vấn, Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tam Dương cho biết: HTX Tam Dương có tổng diện tích đất nông nghiệp 181 ha, bình quân mỗi hộ có từ 3-4 thửa ruộng, hộ đông nhân khẩu có tới 6-7 thửa. Thực hiện kế hoạch dồn điền, đổi thửa, quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, HTX phấn đấu dồn mỗi hộ còn bình quân từ 1,5 đến 2 mảnh ruộng.
Qua công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của xã, bà con nông dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và hiệu quả sản xuất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa, từ đó đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. Ngoài ra, mỗi xã viên còn tự nguyện hiến mỗi sào 9m2 đất và 200 nghìn đồng để mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng.
Nói về quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa, ông Trần Đức Tính, Chủ tịch UBND xã Khánh Dương cho biết: Để từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, năm 2003 xã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, nhưng chỉ dồn, đổi từ những mảnh ruộng bé thành mảnh ruộng to, việc dồn, đổi chưa triệt để, chưa gắn với việc xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng.
Do đó sau 10 năm dồn điền, đổi thửa đã bộc lộ nhiều hạn chế như: bình quân số thửa mỗi hộ vẫn còn ở mức cao (3,8 thửa/hộ, có hộ vẫn có từ 6-8 thửa); việc xen kẽ ruộng đất giữa các xóm (đội) trong HTX, trong thôn vẫn chưa được khắc phục. Mặt khác, các loại đất công ích (đất phi nông nghiệp) có nhiều biến động sau hơn 20 năm sử dụng nhưng không được chấn chỉnh, bổ sung kịp thời gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và sự phát triển của địa phương.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã mặc dù đã được tu bổ, đầu tư hàng năm bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và đóng góp của nhân dân nhưng đến nay do tác động của thiên nhiên, ý thức sử dụng của con người nên đã xuống cấp, cần phải cải tạo nâng cấp mới đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trước thực trạng đó, xã Khánh Dương xác định cần phải dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng tạo ra những vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn. Không chỉ dồn điền, đổi thửa thành những thửa ruộng lớn mà mục tiêu lần này xã Khánh Dương đề ra là phải dồn điền, đổi thửa một cách đồng bộ, khép kín, tiết kiệm đất đai, kinh phí, đặc biệt phải gắn với chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Trong đó chú trọng công tác vận động hộ gia đình, cá nhân hiến tặng đất nông nghiệp và đóng góp kinh phí để có đất củng cố, nâng cấp xây dựng mới hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo ra vùng chuyên canh cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, giảm sức lao động.
Theo đó, xã đã xây dựng đề án việc dồn điền, đổi thửa đảm bảo được các yếu tố: Tôn trọng diện tích đất nông nghiệp mà các hộ dân đang sử dụng ổn định theo Quyết định 313 (năm 1993) và dồn điền, đổi thửa năm 2003, trừ diện tích các hộ đã nhận bồi thường, hỗ trợ GPMB khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, đất đã chuyển nhượng, cho tặng, đất hiến tặng để làm giao thông, thủy lợi nội đồng, đất nghĩa trang, đất làm nhà văn hóa và làm các công trình phúc lợi công cộng khác.
Diện tích đất 313 còn lại sẽ tiến hành dồn đổi trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận, hài hòa lợi ích chung, phấn đấu giảm số thửa đang sử dụng của mỗi hộ hiện nay từ 3,8 thửa xuống còn 1-2 thửa. Việc dồn điền, đổi thửa phải sắp xếp hợp lý theo hướng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xen kẽ ruộng đất giữa các xóm (đội sản xuất), phấn đấu sau dồn, đổi mỗi xóm sử dụng ruộng đất có không quá 5 cánh đồng.
Về phương án quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, xã Khánh Dương có kế hoạch làm mới, mở rộng, nâng cấp 63 tuyến đường trục chính giao thông nội đồng với chiều dài gần 21km; 72 tuyến kênh xương cá kết hợp đắp bờ thửa với chiều dài gần 27km; xây mới 8 kênh kiên cố dài hơn 2km. Tổng diện tích đất vận động nhân dân hiến tặng để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi gần 116.000 m2.
Trong quá trình vận động nhân dân thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, xã khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp tự nguyện trả lại đất hoặc chuyển nhượng cho người khác theo quy định của pháp luật hoặc giao cho xóm, đội sản xuất, HTX hoặc UBND xã để tập trung vào một vùng tiện cho việc quản lý, sử dụng; vận động khuyến khích các hộ gia đình cùng dòng họ, bố con, anh em trong gia đình nhận vào một vùng sản xuất tập trung để giảm số thửa sử dụng.
Với chủ trương đúng đắn, kế hoạch cụ thể, hiện nay xã Khánh Dương đang tích cực triển khai để án dồn điền, đổi thửa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra, giao đất cho nhân dân vào cuối năm 2013 để bắt đầu vụ sản xuất đầu tiên trên những thửa ruộng lớn.
Hồng Giang