Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2014 xã Khánh Cường đã tích cực vận động nông dân DĐĐT để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Được sự đồng thuận của nhân dân, công tác DĐĐT của xã được tiến hành nhanh với khối lượng công việc khá lớn.
Địa phương đã phá bỏ 330 tuyến đường nội đồng với chiều dài trên 62 km, phá bỏ 270 tuyến kênh mương, di chuyển trên 1.700 ngôi mộ nằm trên đồng ruộng, tổ chức giao đất thực địa cho trên 1.800 hộ gia đình với số thửa giảm từ 3,3 thửa xuống còn 1,6 thửa/hộ.
Bên cạnh đó, Khánh Cường đã vận động nhân dân hiến gần 12 ha đất để làm hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Kết quả công tác DĐĐT được đánh giá như một cuộc cách mạng về ruộng đất, tạo ra những thửa ruộng đủ lớn đưa cơ giới hóa, áp dụng biện pháp thâm canh tiên tiến vào sản xuất ở tất cả các khâu: làm đất, gieo cấy và thu hoạch.
Đặc biệt kết quả của DĐĐT là tiền đề tốt để Khánh Cường tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng mối liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng giá trị sản xuất và thu nhập của người dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Thụy, Chủ tịch UBND xã Khánh Cường, mặc dù DĐĐT không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhưng lại quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời là cơ sở để người dân phát triển sản xuất quy mô lớn, liên kết hình thành các vùng, khu sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Tuy nhiên, sau DĐĐT cũng còn có khó khăn về việc bố trí kinh phí để đo đạc, chỉnh lý bản đồ làm căn cứ xác định diện tích, vị trí thửa đất của từng hộ gia đình, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất và tăng hiệu quả sử dụng đất đai, đồng thời nhằm làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm quyền của người sử dụng đất và tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, ngay sau khi hoàn thành công tác DĐĐT, năm 2015 xã Khánh Cường đã phối hợp với đơn vị tư vấn để đo đạc lại toàn bộ đất nông nghiệp.
Khi có kết quả đo đạc và hồ sơ địa chính được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, Khánh Cường đã tổ chức công khai kết quả đo đạc cho toàn thể nhân dân theo đúng trình tự, quy định đảm bảo công khai, minh bạch. Địa phương cũng hướng dẫn nhân dân kê khai, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ theo đúng quy định.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân theo sự chỉ đạo của cấp trên, xã Khánh Cường đã thành lập ban chỉ đạo, Hội đồng xét cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ và các tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, xã Khánh Cường đã nhận được sự hỗ trợ tích cực về mặt chuyên môn của UBND huyện Yên Khánh và ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương giải quyết hàng loạt những khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Đến nay công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ sau DĐĐT tại xã Khánh Cường cơ bản hoàn thành, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Kết quả, xã Khánh Cường đã thực hiện cấp đổi 1.426 giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho 2.496 thửa đất với tổng diện tích trên 359 ha, đạt 81% số thửa đất sau DĐĐT. Số thửa còn lại chưa được cấp đổi lần này là do chủ sử dụng đất đã chết, gia đình chưa tiến hành họp bàn xác định người thừa kế nên chưa tiến hành kê khai hồ sơ xin cấp đổi.
Một trong những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ sau DĐĐT tại xã Khánh Cường đó là có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và cán bộ trong xã, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp và sự hướng dẫn sâu sát của các đơn vị chuyên môn. Sau khi nhận được giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp, người dân rất phấn khởi và bắt đầu tính toán các phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có quy mô lớn hơn.
Ông Phạm Văn Chính, xóm Nam Cường cho biết: "Cái được lớn nhất sau DĐĐT là ruộng tập trung, không còn manh mún, đường nội đồng rộng rãi tạo điều kiện cho máy gặt lớn vào thu hoạch, giảm sức lao động cho người nông dân và tăng hiệu quả sản xuất. Nhưng những năm gần đây, người dân chỉ dừng lại ở việc đầu tư sản xuất 2 vụ lúa, chưa dám xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Khi đã cầm trên tay giấy chứng nhận QSDĐ, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi tiến hành tích tụ ruộng đất, đầu tư các mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại hay các mô hình kinh tế mới".
Như vậy, việc thực hiện DĐĐT, chỉnh trang lại đồng ruộng, kết hợp với đo đạc hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ sau DĐĐT tại xã Khánh Cường được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thành công. Những bài học, kinh nghiệm rút ra tại Khánh Cường sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương khác trong toàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ sau DĐĐT.
Qua đó góp phần tăng cường việc chuẩn hóa hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là tiền đề cho phát triển nông nghiệp của tỉnh ta theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người được giao đất chủ động thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật.
Giáng Hương