Cùng cán bộ xã đến thăm cánh đồng Chằm, chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện cách đây 60 năm, nơi đây, ngày 15/3/1959, Bác Hồ đã về thăm và động viên phong trào thi đua chống hạn, phục vụ sản xuất chiêm xuân. Khi ấy, Bác Hồ với đôi dép cao su giản dị, quần xắn cao, lội xuống ruộng ân cần thăm hỏi cán bộ, nhân dân và bộ đội đang đào mương dẫn nước về cứu lúa.
Được tin Bác về thăm, đồng bào đang lao động trên các cánh đồng và trong các thôn, xóm đã tập trung về rất đông. Bác động viên khích lệ mọi người hăng hái lao động chống hạn cứu lúa và căn dặn đồng bào hãy "cố gắng làm thủy lợi để lấy nước cứu hàng vạn mẫu lúa và cày hết số diện tích còn lại". Trước khi tạm biệt, Bác còn trao cho lãnh đạo xã Khánh Cư 5 chiếc huy hiệu để thưởng cho những cá nhân có thành tích chống hạn xuất sắc.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi lần nhắc đến kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm, trong tâm khảm mỗi người dân xã Khánh Cư lại trào dâng niềm cảm xúc thiêng liêng, tự hào.
Cụ Phạm Thị Hạnh, ở thôn Yên Cư 4 bồi hồi kể về kỷ niệm không bao giờ quên: "Sáng hôm ấy, nghe tin Bác về, người dân khắp các vùng trong huyện đổ về Khánh Cư như trảy hội. Do rất đông người nên tôi cùng nhiều người khác đã chạy tắt qua cánh đồng nơi Bác đang chuẩn bị đi tới. May mắn tôi được đứng gần Bác, nghe Bác chỉ đạo công tác chống hạn, đào kênh mương lấy nước…".
Tự hào là vùng quê được Bác về thăm, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Trường cho biết: Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Khánh Cư, song cũng là trách nhiệm lớn, vì vậy, 60 năm qua, lớp lớp cán bộ và nhân dân Khánh Cư luôn khắc ghi lời căn dặn của Bác năm xưa nhằm tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Với quyết tâm đó, những năm qua, xã đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó, nhân dân trong xã đã hiến hàng chục ha đất nông nghiệp, hàng tỷ đồng để đầu tư kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo tưới tiêu nước phục vụ sản xuất. Cùng với đó, Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng chí Vũ Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước kia, xã chỉ tập trung sản xuất 2 vụ lúa, những năm gần đây, nhờ quy hoạch lại sản xuất, hệ thống giao thông, thủy lợi đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh vùng sản xuất lúa chất lượng cao, còn hình thành các vùng sản xuất rau sạch, cây trồng có giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,79 %.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố. Đảng bộ xã đã chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực hoạt động, góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, hạn chế các tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình mới trong phát triển kinh tế như: vùng sản xuất rau an toàn 4 ha ở thôn Khê Thượng, mô hình trồng rau VIETGAP của bà Lê Thị Dung, thôn Yên Cư 4, mô hình VAC của ông Trịnh Xuân Học, thôn Yên Cư 1 và nhiều tấm gương về rèn luyện đạo đức lối sống, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội, từ thiện, vượt khó vươn lên trong cuộc sống...
Khải Hoàn