Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đến hôm nay người dân địa phương vẫn không quên nhắc nhớ những kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm. Năm 1959, do có thành tích xuất sắc về công tác thủy lợi và chống hạn, nhân dân và cán bộ xã Khánh Cư đã vinh dự được đón Bác về kiểm tra công tác chống hạn và chăm sóc lúa chiêm- xuân. Giữa lúc nhân dân cùng bộ đội đang đào ngòi Chùa Cao để lấy nước từ sông Đáy dẫn vào cánh đồng Chằm, Bác đã xắn quần, lội xuống cánh đồng Chằm. Bác ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ, khen ngợi đồng bào và bộ đội đã tích cực chống hạn cứu lúa, đồng thời căn dặn đồng bào "cố gắng làm thủy lợi để cứu lấy hàng vạn mẫu lúa và cày hết số diện tích còn lại". Từ đó đến nay, những lời căn dặn của Người đã trở thành động lực để lớp lớp cán bộ, nhân dân xã Khánh Cư đoàn kết, vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống. Với chủ trương đưa nông nghiệp chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, Đảng bộ xã đã chỉ đạo bà con tích cực thay đổi cơ cấu mùa vụ, mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông; đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Nhiều cánh đồng trước đây chỉ độc canh cây lúa, nay đã thực hiện 3 vụ: 2 vụ lúa + vụ đông. Từ năm 2010 đến năm 2014, năng suất lúa của địa phương luôn ổn định từ 120-122 tạ/ha/năm. Trong đó giá trị và sản lượng giống lúa chất lượng cao ngày một tăng. Đồng thời địa phương cũng triển khai thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tổ chức gieo sạ trên diện rộng nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư, áp dụng kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất giảm sức lao động, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thu hoạch. Cùng với chú trọng trồng trọt, địa phương cũng đang phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trong toàn xã đạt 30,3 tỷ đồng/năm.
Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huy động được trên 124 tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất; dồn điền, đổi thửa; nước sạch, vệ sinh môi trường..., từ đó xây dựng phương án cụ thể triển khai tới các ngành, các đơn vị và ban phát triển thôn tổ chức thực hiện.
Song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa của nhân dân địa phương ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy như: Lễ hội làng Yên Cư, lễ hội làng Xuân Dương, làng Hạ Giá… được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được phát huy và mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng, hoàn thiện các quy ước, hương ước văn hóa. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Đã duy trì hoạt động và bảo tồn 4 di tích lịch sử văn hóa được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận. Năm 2014, địa phương có 11/11 thôn được công nhận thôn văn hóa, 100% thôn, xóm, cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các lĩnh vực giáo dục, y tế được quan tâm. Chương trình giảm nghèo thực hiện đảm bảo đúng chính sách, huy động các nguồn lực trong xã hội chăm lo cho hộ nghèo. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 10,2% đến nay, chỉ còn 2,74%.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trong nhiệm kỳ vừa qua công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy nghiêm túc, kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Nhận thức về chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, việc nhận xét và đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ; thực hiện việc đánh giá cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công việc, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên với nhân dân làm thước đo chủ yếu; từng bước trẻ hóa cán bộ, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng. Công tác phát triển đảng được quan tâm chỉ đạo, trong nhiệm kỳ đã đề nghị xét kết nạp được 67 đảng viên mới. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng hàng năm được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, kết quả tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh và vững mạnh chiếm 74,6 %; số tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 20,4%, không có tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ.
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền trong nội bộ Đảng, chính quyền. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức đánh giá chất lượng đảng viên theo đúng hướng dẫn, trong đó đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 11,8%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 73,9%... Việc triển khai "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thường xuyên được duy trì trong sinh hoạt Đảng. Đã chỉ đạo các chi bộ, đoàn thể tổ chức mỗi quý học tập một chuyên đề tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau học tập có 16/16 chi bộ, 313 đảng viên đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đào Duy