Về thăm làng văn hóa thôn Phú Hạ, thôn được UBND huyện công nhận danh hiệu Làng văn hóa (năm 2002), trò chuyện với chúng tôi, bác Trịnh Xuân Thứ, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Thôn Phú Hạ có 122 hộ với gần 400 khẩu, kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp. Trước năm 2000, số hộ nghèo của thôn chiếm gần một nửa. Để từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Chi bộ thôn đã đề ra Nghị quyết phù hợp với tình hình địa phương, như: Đẩy mạnh phát triển các nghề phụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ đó nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như mô hình VAC, chăn nuôi lợn thịt, thả cá... đã và đang hình thành, phát triển. Những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán, dịch vụ được mở rộng và phát triển cũng tạo thêm nguồn thu nhập lớn trong nhân dân. Hiện, cả thôn có trên 60% hộ giàu và khá, nhiều hộ có nhà cao tầng, 100% số hộ sử dụng điện sinh hoạt và có công trình vệ sinh khép kín, hầu hết các gia đình đã có xe gắn máy, thu nhập bình quân đầu người đạt 11-13 triệu đồng/người/năm.
Đời sống kinh tế phát triển nên đời sống tinh thần được quan tâm chú ý hơn. Các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT được tổ chức thường xuyên, tạo khí thế thi đua trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ huy động nội lực và kêu gọi con em xa quê hương đóng góp tiền của, đến nay thôn Phú Hạ đã có Nhà văn hóa rộng rãi, sạch đẹp với đầy đủ bàn ghế, hệ thống loa máy, sân chơi, bãi tập, tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt và tổ chức các hoạt động tập thể của bà con trong thôn. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã được đông đảo nhân dân trong thôn đồng tình ủng hộ và thực hiện có hiệu quả.
Từ năm 2000 trở về trước, số gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa hàng năm ở xã Khánh An đạt thấp, chỉ từ 55-60%. Trước tình hình đó, UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa từ xã xuống các thôn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình, lấy các đoàn thể quần chúng làm lực lượng nòng cốt, giao chỉ tiêu đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" cho từng hội viên. Hàng năm, thôn nào có số hộ đạt "Gia đình văn hóa" cao sẽ được xã khen thưởng, động viên kịp thời. Vì vậy, xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành phong trào sôi nổi ở Khánh An từ nhiều năm nay.
Theo ông Đỗ Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, đến nay 7/11 xóm được cộng nhận Làng văn hóa. Năm 2005, tỷ lệ hộ đạt Gia đình văn hóa trên 70% thì đến nay đã đạt 87%. Những năm qua, Khánh An đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Năm 2000 xã chưa có Nhà văn hóa, giai đoạn 2007-2010, đồng loạt 100% các thôn, xóm trong xã xây dựng Nhà văn hóa, bình quân kinh phí xây dựng mỗi Nhà văn hóa từ 300-400 triệu đồng. Nguồn kinh phí xây dựng chủ yếu nhân dân tự nguyện đóng góp theo quy chế dân chủ. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy ước, hương ước của làng văn hóa, nhất là việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. Đến nay, các đám cưới, đám tang đều thực hiện đúng quy chế nếp sống văn minh, cơ bản được tổ chức gọn, nhẹ, tiết kiệm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Vào dịp hè và các ngày lễ lớn của dân tộc, Ban văn hóa - thông tin xã phối hợp với các trường học, các thôn tổ chức các cuộc liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao, thu hút đông đảo học sinh và người dân tham gia.
Có thể nói, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Khánh An đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở Khánh An giảm, tỷ lệ hộ giàu tăng lên 33%; Trên 90% đường liên thôn được bê tông hóa; 30% số hộ có nhà kiên cố cao tầng… Mỗi thôn thành lập được 1 tổ vệ sinh môi trường do Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ quản lý. Toàn bộ rác thải của các thôn được thu gom và xử lý tại bãi rác tập trung của xã, bảo đảm đường làng, ngõ xóm luôn luôn sạch đẹp. Khánh An là điển hình về xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Yên Khánh.
Bài, ảnh: Hà Mi